Multimedia Đọc Báo in

Cần sự nỗ lực lớn trong phòng chống sốt rét

17:00, 28/05/2010

Dak Lak hiện vẫn là địa phương nằm trong vùng sốt rét lưu hành, trong đó có 40 xã nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng với khoảng 250.000  dân, chiếm gần 14% dân số của tỉnh. Đặc biệt, năm 2009, dịch sốt rét bùng phát ở hầu hết các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, trong đó có tỉnh ta. Để tìm hiểu về công tác phòng chống sốt rét của tỉnh, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ HỒ TÂN TIẾN, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh về vấn đề này.

 

* Được biết, năm 2009, Dak Lak là một trong những địa phương có số ca sốt rét tăng đột biến ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ông có thể cung cấp một số thông tin cụ thể?
Năm 2009, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tất cả các chỉ số về sốt rét đều tăng so với năm 2008. Cụ thể, bệnh nhân sốt rét tăng 14,6%, sốt rét ác tính tăng 32,94% và tử vong sốt rét tăng 14,29%. Còn tại tỉnh ta, năm 2009, số bệnh nhân sốt rét là 2.648 trường hợp, tăng 31,15% so với năm 2008; trong đó, có 19 ca sốt rét ác tính (năm 2008 là 11 ca). Đồng thời, toàn tỉnh có 1.329 ký sinh trùng sốt rét, tăng 726 ký sinh trùng so với năm 2008.  Riêng số tử vong sốt rét trong năm 2009 là 2 trường hợp (không tăng cũng không giảm so với năm 2008). Đặc biệt, theo điều tra của chúng tôi thì véc-tơ truyền bệnh chính đang có xu hướng phục hồi ở rất nhiều vùng, do đó  khả năng lan truyền rất cao và nguy cơ bùng phát dịch lớn.
* Nguyên nhân nào khiến số ca sốt rét lại tăng mạnh ở tỉnh ta trong năm vừa qua, thưa ông?
Có 6 nguyên nhân chủ yếu khiến sốt rét tăng mạnh ở tỉnh ta, đó là:  biện pháp phòng chống sốt rét cho nhóm dân di biến động ( dân đi rừng, ngủ rẫy, dân di cư tự do và dân giao lưu biên giới) chưa khả thi; ý thức người dân chưa tự bảo vệ mình khi sống trong vùng sốt rét lưu hành, nhất là tỷ lệ ngủ màn thấp; biện pháp cấp thuốc tự điều trị chưa hiệu quả đối với những người đi rừng, ngủ rẫy (những đối tượng này đến cơ sở y tế để được cấp thuốc miễn phí và sử dụng khi có bệnh là không nhiều); mạng lưới y tế cơ sở và đặc biệt là điểm kính hiển vi cũng còn hạn chế; Dak Lak là tỉnh nằm trong vùng sốt rét lưu hành và có đến 40 thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng; thời tiết biến động thất thường trong năm 2009, đặc biệt, cơn bão số 9 và cơn bão số 11 đã  làm cho các biện pháp phun hóa chất giảm dần và mất tác dụng.
* Số ca sốt rét tăng đột biến trong năm trước chắc hẳn sẽ gây thêm khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu của năm nay?
Năm 2010, tỉnh ta đề ra 3 mục tiêu cơ bản để thực hiện, gồm: giảm số người mắc sốt rét trên địa bàn xuống còn 1,07/1000 dân; duy trì số tử vong sốt rét ở mức 0,11/100.000 dân và không để dịch sốt rét xảy ra. Để thực hiện được những mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn, bởi năm 2009 số người mắc sốt rét của tỉnh đang ở mức 1,46/1000 dân. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp như: tổ chức giám sát dịch tễ tại những điểm trọng yếu nhất của tỉnh và phân công cán bộ y, bác sĩ đến khám bệnh, lấy lam, cấp phát thuốc, điều trị trực tiếp cho người dân; tiến hành tẩm màn, phun tẩm hóa chất và tuyên truyền về phòng chống sốt rét cho người dân, nhất là những vùng nguy cơ cao; xây dựng các điểm kính hiển vi mới và củng cố hoạt động của các điểm kính hiển vi đã có nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc sốt rét trong cộng đồng. Đặc biệt, trong Tháng hành động phòng chống sốt rét vừa qua (tháng 4), các hoạt động này được tổ chức rầm rộ hơn và có sự tham gia của cả các cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành tại địa phương. Đồng thời, trong tháng này, việc đưa những thông tin, hình ảnh về sốt rét đến cho người dân đã được triển khai trên diện rộng bằng nhiều phương pháp và nhiều kênh khác nhau. Qua đó, đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống sốt rét, tiến tới hiện thực hóa các mục tiêu nói trên.
Xin cảm ơn ông!

 

 Kim Oanh – Bích Tâm (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc