Multimedia Đọc Báo in

Phục hồi chức năng đúng cách sau chấn thương các cơ quan vận động

08:52, 29/06/2019

Sau những bất thường về vận động do tai nạn, bệnh tật, vật lý trị liệu, việc điều trị phục hồi chức năng có vai trò rất quan trọng nhằm tăng tuần hoàn máu, giãn cơ, giảm đau, đặc biệt là sớm phục hồi các chức năng vận động để người bệnh đi lại, sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người bệnh cần phục hồi chức năng lại chưa quan tâm, coi trọng vấn đề này. Thay vì đến bệnh viện phục hồi chức năng để được điều trị, hướng dẫn luyện tập, một số bệnh nhân lại bỏ qua giai đoạn quan trọng này hoặc tự tập tại nhà mà không biết rằng nếu phục hồi chức năng muộn, không đúng cách thì sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Như trường hợp chị Nguyễn Thị Nam (trú khối 7, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) bị ngã xe máy dẫn đến rạn xương bàn chân và giãn dây chằng ở cổ chân trái. Chị đi khám, được bó chân, cố định bằng lá thuốc và băng chun. Trong thời gian 2 tuần, lúc nào đi lại chị cũng rất khẽ khàng bằng cái chân lành, tránh va chạm với bên chân bị đau một phần vì sợ đau, một phần sợ xương bị rạn hơn nếu vận động mạnh. Sau 3 tuần, khi bắt đầu có thể tập đi thì chị thấy rất khó khăn để đi lại bình thường, quan sát thấy chân đau nhỏ hơn so với chân lành. Lo sợ, chị đi tái khám thì được biết mình bị teo cơ tạm thời. Đây là điều bình thường vì sau một thời gian không vận động chân sẽ bị teo, chỉ cần tập đi lại thì tình trạng này sẽ cải thiện. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 4 tháng, do không tập luyện sớm, chị Nam vẫn đi kiểu chân thấp chân cao, chân bị đau vẫn nhỏ hơn chân còn lại.

Bệnh nhân luyện tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.  Ảnh: Đ. Thi
Bệnh nhân luyện tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Đ. Thi

Bác sĩ CKI Lương Công Toàn, Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết, cơ quan nào cũng quan trọng đối với cơ thể. Những cơ quan cần thiết cho sự vận động và sinh hoạt hằng ngày như chân, tay, cột sống thì càng cần phải sớm được phục hồi chức năng sau chấn thương.

Những trường hợp chấn thương ảnh hưởng đến các cơ quan vận động, sau khi điều trị ngoại khoa, bệnh nhân cần sớm được phục hồi các chức năng vận động của cơ thể, nếu không sẽ bị teo cơ, cứng khớp, có những biến dạng do tư thế bị lệch…; tất cả trở thành thương tật thứ cấp và khó hồi phục.

Theo bác sĩ Toàn, nguyên tắc điều trị là phục hồi càng sớm càng tốt và phải đúng kỹ thuật. Việc phục hồi chức năng cần có sự hướng dẫn, giám sát của các kỹ thuật viên phục hồi chức năng, nếu không thì sẽ không mang lại hiệu quả, có khi kết quả ngược. Ví dụ, bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo cần tập một số động tác cho khớp gối, nếu tập không phù hợp với tầm vận động của khớp thì có thể sẽ đứt lại. Do đó, rất cần lượng giá chức năng vận động theo từng tuần và có những bài tập cụ thể cho từng tuần. Kỹ thuật viên sẽ lượng giá theo từng tuần và bài tập sẽ tăng dần, mạnh dần lên. Về vật lý trị liệu, bệnh nhân được điều trị điện trị liệu, là phương pháp điều trị bằng các xung điện, kích thích những cơ bị liệt, yếu, chống teo cơ; nhiệt trị liệu với máy siêu âm điều trị nóng - lạnh, điện vi dòng nhằm giảm sưng nề, giảm viêm… Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn bệnh nhân tự luyện tập nhiều lần trong ngày với các thiết bị phục hồi chức năng bởi như vậy sẽ hiệu quả hơn là chỉ tập một lần trong ngày.

Thực tế, một số bệnh nhân sau khi điều trị ngoại khoa đã quyết định về nhà tự tập. Do tập không đúng cách nên không hiệu quả, sau vài tháng thì họ bị cứng khớp, teo cơ. Lúc họ đến cơ sở y tế thì đã muộn, việc phục hồi chức năng rất chậm và hiệu quả không cao. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, sau những bất thường về vận động do tai nạn, do bệnh tật, sau khi điều trị ổn ở giai đoạn cấp, bệnh nhân cần được tập luyện để phục hồi tất cả chức năng của cơ thể.

Những trường hợp bị bong gân, giãn dây chằng, gãy xương... nên vận động sớm khi có thể. Khi bị chấn thương cần cố định, bệnh nhân vẫn có thể co cơ tĩnh bằng cách lên gân một ngày nhiều lần. Khi có điều kiện thì co cơ sớm bằng vận động và tăng dần vận động lên. Người bệnh cần phải kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, như thế mới hạn chế teo cơ, khôi phục khả năng vận động sớm. Ngoài ra, việc vận động chỗ bị thương còn tránh nguy cơ bị loét, tắc mạch chi... do tì đè lâu ngày. Việc vận động như thế nào, khi nào bắt đầu vận động nhất thiết phải có sự hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc