Multimedia Đọc Báo in

Để sâu răng không còn là nỗi ám ảnh…

15:59, 07/05/2017

Bệnh sâu răng là bệnh khá phổ biến, gây hậu quả ở nhiều mức độ về sức khoẻ răng miệng và sức khoẻ chung.

Hiện nay, sức khỏe răng miệng là một trong 10 tiêu chuẩn lớn về sức khỏe theo xác định của Tổ chức Y tế Thế giới. Thống kê từ Cục Y tế dự phòng năm 2011 cho thấy trên 80% học sinh tiểu học Việt Nam mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm quanh răng, ở lứa tuổi lớn hơn tỷ lệ này cũng lên đến 60-70% và đang có dấu hiệu tăng lên trong thời gian gần đây.

Bệnh sâu răng thực chất là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa chất vô cơ của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra. Hậu quả là sâu răng, dẫn đến viêm tủy răng, tủy chết, viêm quanh cuống răng, áp xe cuống răng. Sâu răng còn có thể làm vỡ răng, giảm thẩm mỹ của hàm răng và khuôn mặt, sâu răng còn gây hôi miệng, ảnh hưởng đến giao tiếp.

Có nhiều nguyên nhân gây sâu răng, trong đó vi khuẩn đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, còn phải có các yếu tố thuận lợi cho bệnh sâu răng như chế độ ăn uống nhiều đường, vệ sinh răng miệng không tốt, tình trạng sắp xếp của răng khấp khểnh, chất lượng men răng kém và môi trường tự nhiên, nhất là môi trường nước uống có hàm lượng fluor thấp tạo điều kiện cho sâu răng phát triển

Bệnh sâu răng có tốc độ phát triển tương đối chậm, mất khoảng từ 2 - 4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng.

Thời gian đầu chỉ là những đốm trắng đục hoặc nâu trên mặt răng, mọi người thường không nhận thấy. Lúc này bệnh sâu răng chưa gây đau nhức. Chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng mới thấy đau. Răng bị sâu sẽ ê buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, chua ngọt và khi gõ nhẹ vào răng. Sâu răng làm răng bị đau nhức dẫn đến ăn không ngon, ngủ không yên. Nó còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe do đau răng ăn uống kém. Người bị sâu răng sẽ thiếu tự tin khi giao tiếp do miệng hôi. Bên cạnh đó, sâu răng còn gây tốn kém về kinh tế bởi các chi phí khám răng, nhổ răng, trám răng.

Các biện pháp phòng bệnh sâu răng:

Giảm số lượng vi khuẩn: Cần đánh răng ngay sau khi ăn hoặc ít nhất 2 lần mỗi ngày, đặc biệt là đánh răng trước khi đi ngủ. Đánh răng đúng cách là việc quan trọng để làm sạch toàn bộ các răng, dùng bàn chải lông mềm, chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai, trên và dưới. Nên cầm bàn chải quay 450 về phía lợi, chải kỹ rìa lợi và cổ răng. Đối với các kẽ răng có giắt thức ăn mà bàn chải không chải hết được có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.

Dùng các loại rau quả tươi có nhiều chất xơ để tăng tính cọ xát, chải rửa tự nhiên cho răng khi nhai.

Giảm chất bột đường: Tránh ăn những thực phẩm dạng bột đường và không ăn giữa các bữa ăn; ăn xong phải súc miệng, nhất là trước khi đi ngủ. Không dùng các loại bánh ngọt làm món tráng miệng sau cùng.

Tăng sức đề kháng cho răng: Uống nước máy có fluor, kem đánh răng có fluor giúp men răng chắc. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho răng trong quá trình hình thành mầm răng và trong giai đoạn mọc răng.

Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và chữa kịp thời, đồng thời nên đến bác sĩ lấy cao răng 6 tháng 1 lần.

Nguyễn Vân


Ý kiến bạn đọc