Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa và phát hiện sớm cong vẹo cột sống ở học sinh

09:54, 27/05/2015
Cột sống là trụ cột của cơ thể, là chỗ dựa vững chắc cho các hệ thống cơ quan phát triển, bảo vệ tuỷ sống, giảm xóc cho não bộ. Nhờ có cột sống mà cơ thể có thể vận động linh hoạt, tạo cho cơ thể có nhiều tư thế khác nhau.
 
Biến dạng cột sống là sự thay đổi về hình dáng hoặc cấu trúc của cột sống so với bình thường, gồm cong cột sống và vẹo cột sống. Khi nói về biến dạng cột sống lứa tuổi học đường, người ta thường quen dùng thuật ngữ “Cong vẹo cột sống”. Tỷ lệ học sinh ở Việt Nam bị mắc bệnh cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ từ 15 - 25%.

Chị Mai Thị Thủy ở xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) tỏ ra rất lo lắng vì vừa phát hiện con gái là cháu Cao Thị Hồng Nhung (15 tuổi) bị vẹo cột sống. Chị cho hay: “Lúc nhỏ cháu phát triển bình thường, nhưng khi dậy thì cháu cao rất nhanh. Chắc tại cháu ngồi học với tư thế nghiêng vẹo, nằm ngủ cháu cũng hay nằm nghiêng nên dẫn đến cột sống bị lệch hẳn, một bên vai lồi ra. Khi phát hiện được thì lưng cháu bị lệch hẳn nên gia đình đưa cháu đi khám để nhờ sự can thiệp”. Theo Thạc sĩ Cao Mạnh Hùng, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh cho biết:  Cong vẹo cột sống có nhiều nguyên nhân, trong đó có khi do bẩm sinh, hoặc do ngồi quá sớm, suy dinh dưỡng lúc bé và sai lầm trong tư thế ngồi học của học sinh. Bệnh dễ dàng phát hiện qua kiểm tra một số tư thế cơ bản và tư thế ngồi học.  Tình trạng cong vẹo cột sống có thể ít hay nhiều, từ đó dẫn tới các dị tật ở mức độ khác nhau, cột sống bị cong ảnh hưởng rõ tới quá trình hô hấp, gây đau, có thể gây biến dạng khung chậu, nếu là nữ thì trở ngại tới việc sinh con. Ở các trường hợp nặng, bắp thịt bị kéo căng và có hiện tượng đau, xương ngực có thể bị biến dạng, tim phổi xê dịch vị trí, chiều dài của lưng bị ngắn lại. Xương chậu cũng có thể bị quay lệch, các cơ quan trong ổ bụng cũng có thể dịch vị trí, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng.

Trẻ em bị cong vẹo cột sống cần được phát hiện và được chữa trị, phục hồi chức năng sớm để có kế hoạch theo dõi, khám thường qui và điều trị thích hợp nhằm loại bỏ hoặc giảm tối đa các ảnh hưởng của nó tới người bệnh. Việc điều trị sớm có tầm quan trọng đặc biệt nhằm ngăn chặn sự biến dạng cột sống dẫn tới biến dạng tư thế, khung chậu, thậm chí ảnh hưởng tới khả năng hô hấp và tuần hoàn. Các biện pháp kỹ thuật điều trị thông thường như vật lý trị liệu, thể dục liệu pháp, chỉnh lại tư thế đứng ngồi trong sinh hoạt nhất là việc ngồi học của học sinh... sẽ giúp ổn định tình trạng bệnh. Nếu không chữa trị và để đến lúc trưởng thành, cột sống không còn mềm dẻo, đã có biến dạng nặng thì việc điều trị rất khó khăn. Trong trường hợp này, có thể phải phẫu thuật chỉnh hình nhờ vào một loại nẹp kim loại đặc biệt được đặt cố định vào cột sống trong thời gian dài để nắn chỉnh. Các bước phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ biến dạng của cột sống, tốn kém cả về tiền bạc và thời gian.

Bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Thị Lợi, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp  (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết: Trong cộng đồng, tỷ lệ học sinh bị cong vẹo cột sống là không nhỏ. Tuy nhiên, việc quan tâm, theo dõi và phát hiện bệnh từ tư thế ngồi học của con em mình để đưa đi khám, điều trị kịp thời vẫn chưa được giáo viên và phụ huynh quan tâm. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân cong vẹo cột sống học đường ở thể nhẹ đến tập vật lí trị liệu, phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền là rất thấp, mỗi năm chỉ có vài trường hợp. Đa số các cháu đến khi đã bị nặng, biểu hiện cong vẹo quá rõ rệt thì mới được phát hiện và đưa đi chữa trị. Thông thường những trường hợp nặng phải chịu rất nhiều đau đớn khi tập luyện hoặc phải phẫu thuật”.

Để phòng ngừa cong vẹo cột sống, các bác sĩ khuyến cáo cần phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ; bảo đảm chế độ ăn cần có đủ protein, chất khoáng và vitamin; bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng. Nơi học tập ở trường phải bảo đảm chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo. Trong nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, gia đình cũng cần trang bị đèn ở góc học tập cho các em học sinh để có ánh sáng tốt hơn. Cần thực hiện giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học phù hợp, không cho trẻ học thêm quá nhiều. Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía. Học sinh cần được khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có cách xử trí và điều trị kịp thời. Phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao cho các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối. Cha mẹ và giáo viên phải thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con mình ngồi học đúng tư thế, theo dõi kiểm tra sự phát triển về thể lực của trẻ, quan sát thấy những bất thường về cột sống thì nên cho trẻ đến khám và điều trị kịp thời ở những cơ sở y tế chuyên khoa tránh tình trạng để bệnh quá nặng sẽ khó phục hồi.

                                                                       Trần Lan


Ý kiến bạn đọc