Multimedia Đọc Báo in

Quan hệ Mỹ - Iran: Căng thẳng chưa có hồi kết

14:56, 21/06/2019

Ngày 19-6, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani khẳng định sẽ không xảy ra đối đầu quân sự giữa nước Cộng hòa Hồi giáo và Mỹ.

Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) dẫn lời ông Shamkhani tuyên bố tình huống này sẽ không xảy ra vì không có lý do gì để bùng nổ chiến tranh giữa Iran và Mỹ. Quan chức Tehran cáo buộc một số quốc gia đang "hùa theo" giọng điệu các quan chức Mỹ khi muốn gây sức ép với quốc gia khác.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đưa ra lời khẳng định Iran sẽ không phát động chiến tranh nhằm vào bất kỳ nước nào vào ngày 18-6, một ngày sau khi Mỹ thông báo điều thêm quân tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng leo thang. Nhà lãnh đạo Iran khẳng định Mỹ sẽ thất bại trong nỗ lực cắt đứt quan hệ giữa Iran và các nước khác trên thế giới.

Trong khi đó, vào ngày 17-6, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố tăng cường thêm 1.000 quân Mỹ tới khu vực Trung Đông với mục đích “phòng thủ” trước những mối đe dọa trên biển, trên không và trên bộ ở khu vực này. Bên cạnh đó, ông Shanahan cho rằng các động thái của Iran đang đe dọa lợi ích và các lực lượng Mỹ trong khu vực.

Tàu của hải quân Iran nỗ lực khống chế đám cháy trên tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline của Na Uy, tại Vịnh Oman ngày 13-6-2019.  Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu của hải quân Iran nỗ lực khống chế đám cháy trên tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline của Na Uy, tại Vịnh Oman ngày 13-6-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Quân đội Anh cùng ngày 17-6 cũng thông báo triển khai 100 binh sĩ thủy quân lục chiến nhằm thành lập nhóm tác chiến thường trực số 19 có nhiệm vụ tuần tra trong khu vực vùng biển quanh căn cứ hải quân của nước này ở Bahrain. Theo Bộ Quốc phòng Anh, nhóm tác chiến này sẽ được biên chế tàu cao tốc và máy bay trực thăng để bảo vệ các chiến hạm và tàu hàng của Anh hoạt động ở vịnh Ba Tư trước mọi nguy cơ bị tấn công. Từ giữa tháng 5 tới nay, London cũng bày tỏ lo ngại sau vụ 4 tàu chở hàng bị tấn công bằng thuốc nổ tại phía Nam cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi được hải quân Anh thường xuyên dùng làm trạm trung chuyển và trung tâm hậu cần cho các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này.

Loạt diễn biến mới này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại vùng Vịnh sau khi tàu dầu Kokura Courageous của Nhật và Front Altair của Na Uy bị tấn công bằng chất nổ sáng 13-6 trên vịnh Oman. Vụ nổ khiến tàu Kokura Courageous bị thủng nhiều lỗ, trong khi Front Altair bốc cháy. Toàn bộ 44 thủy thủ trên hai tàu đều được giải cứu. Washington và đồng minh cáo buộc Tehran đứng sau sự việc. Iran bác bỏ các cáo buộc, đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra nhằm làm rõ quy mô và thủ phạm.

Điều gì đã khiến căng thẳng Mỹ - Iran đi đến giới hạn này? Phải chăng đằng sau đó là những sự thật sâu xa trong chính quyền Tổng thống Trump và thế khó của Iran?

Tác giả Aaron David Miller đã nhận định trên tờ USA Today rằng quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng như hiện nay có nguồn cơn từ việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Ngay từ khi tranh cử Tổng thống, ông Trump đã khẳng định ông sẽ đàm phán lại hoặc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông cho là "thỏa thuận tệ nhất từng đàm phán". Điều này đã trở thành sự thật khi Tổng thống Trump không những rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà còn tiến hành chiến dịch "gây sức ép tối đa" nhằm vào nước này. Washington đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực ngân hàng và ngành hóa dầu của Iran trong những tháng qua, đồng thời nỗ lực cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu mỏ - “mạch máu” của kinh tế Iran về con số 0. Tất cả động thái trên đều nhằm mục đích "bóp nghẹt" nền kinh tế của Iran và buộc nước cộng hòa Hồi giáo này phải ngồi vào bàn đàm phán.

Chiến lược "gây sức ép tối đa" của Mỹ lại gặp phải chiến lược "chống cự tối đa" của Iran khiến hai nước ở thế tiếp tục giằng co nhau và chỉ một diễn biến bất thường cũng có thể giống như cơn gió làm bùng lên đám lửa đang âm ỉ.

Iran "điêu đứng" trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Các nước châu Âu, Trung Quốc và Nga dù đều nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân nhưng rõ ràng những quốc gia này đều ngần ngại trước sức ép từ phía Mỹ. Dù vậy, Iran cũng tỏ rõ thái độ cứng rắn nhằm cho thấy rằng những sức ép của Mỹ không thể nào khiến quốc gia này khuất phục. Ngày 13-6, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định rằng Tehran không bao giờ tin tưởng Mỹ và sẽ không đàm phán với Mỹ. Chỉ 4 ngày sau đó, hôm 17-6, Cơ quan Năng lượng nguyên tử của Iran công bố nâng mức làm giàu uranium lên 20% và giảm các cam kết liên quan đến thỏa thuận hạt nhân. Ngày 19-6, Iran tuyên bố sẽ khởi động tiến trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn vào tháng 7 tới và sẽ không trao thêm thời gian cho các cường quốc châu Âu để có biện pháp bảo vệ Tehran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Khói lửa bốc ngùn ngụt trên tàu chở đầu được cho là bị tấn công ngoài khơi vùng Vịnh Oman ngày 13-6.
Khói lửa bốc ngùn ngụt trên tàu chở đầu được cho là bị tấn công ngoài khơi vùng Vịnh Oman ngày 13-6.

Không có một “mỏ neo” nào giúp ổn định quan hệ Mỹ - Iran và việc thiếu lòng tin luôn bị đẩy lên mức cao khiến "thùng thuốc súng" trong căng thẳng hai nước lúc nào cũng trực chờ bùng nổ. Tuy nhiên, cho đến nay, dù đấu khẩu nhau gay gắt nhưng cả Tổng thống Trump và Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei đều thận trọng để tránh quan hệ hai nước leo thang thành một cuộc đối đầu trực tiếp.

Một cuộc xung đột lớn có thể chưa xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là tình hình sẽ ổn định. Ở mức độ tối thiểu, Iran và Mỹ đều vô cùng cần một đường dây nóng để giảm xung đột giữa các lực lượng quân sự và tránh leo thang nghiêm trọng giữa hai nước. Nhưng thực tế là Iran đã từ chối đàm phán với Mỹ bởi Tehran cho rằng đó là một dấu hiệu của sự yếu đuối và nhượng bộ. Tổng thống Trump - người luôn tìm kiếm các cuộc đàm phán cũng phải thừa nhận rằng do những căng thẳng gần đây mà hiện tại chưa phải thời gian thích hợp cho một thỏa thuận.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV, SGGP)

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.