Multimedia Đọc Báo in

Gian nan chống lạm phát

14:50, 03/04/2011

Hơn 2 năm trước, khi tập đoàn tài chính khổng lồ của Mỹ Leman Brothers sụp đổ, các chuyên gia kinh tế dự đoán lạm phát sẽ là một trong những rủi ro đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây, cả thế giới vẫn đang tiếp tục gồng mình chống lạm phát.

Chỉ 3/51 quốc gia nghèo nhất thoát nghèo
Điệp khúc tăng giá năng lượng, thực phẩm trên khắp thế giới, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi đã trở nên quen thuộc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Brazil tăng lên mức 5,91% trong năm 2010, mức tăng cao nhất trong 6 năm qua. Trong khi đó, con số này ở Nga là 8,8%, còn Ấn Độ nhiều khả năng sẽ ở mức 5,5%-7% trong tháng 3 này…

Các nền kinh tế phát triển ở châu Âu cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy lạm phát. Theo thống kê, lạm phát tại khu vực châu Âu hiện đã đạt mức 2,4%, mức cao nhất từ tháng 10-2008. Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), ông Robert B. Zoellick, cảnh báo giá lương thực sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới và “an ninh lương thực giờ là vấn đề an ninh toàn cầu”. Theo ước tính của WB, khoảng 44 triệu người dân nghèo trên thế giới đã bị ảnh hưởng kể từ tháng 6 năm ngoái, thời điểm giá lương thực bắt đầu leo thang. Người phát ngôn Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bà Caroline Atkinson, cũng cho biết tổ chức này đặc biệt quan tâm đến vấn đề lương thực tăng giá.

Người tìm việc xếp hàng tại một trung tâm tuyển dụng ở Las Vegas, Mỹ.
Người tìm việc xếp hàng tại một trung tâm tuyển dụng ở Las Vegas, Mỹ.
Giá dầu cũng quay đầu tăng giá từ tháng 1 năm nay trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng về tình hình bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi có thể làm ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Hơn nữa, theo các nhà kinh tế của IMF, thảm họa thiên nhiên động đất gây ra sóng thần tại Nhật Bản-nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới-sẽ khiến cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu càng trở nên khó khăn.

Một báo cáo mới khá gây sốc vừa được Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Hội nghị thường niên của LHQ về các nước kém phát triển nhất tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, trong vài thập niên gần đây, chỉ có 3/51 quốc gia nghèo nhất thế giới thoát nghèo là Botswana, Cape Verde và Maldives. Hơn 880 triệu người tập trung tại 48 quốc gia nghèo đói nhất thế giới đang phải sống với mức ít hơn 1 USD/ngày. Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp tại các quốc gia này tăng 2,9% trong vòng một thập kỷ qua. Tình trạng thất nghiệp tăng cao chính là một trong những nguyên nhân khiến các quốc gia này không thể thoát khỏi đói nghèo. Người nghèo giờ đây còn xuất hiện ở các nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, hậu quả của khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua.

Nỗi lo lạm phát cơ bản
Bài toán lạm phát đang đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô. Từ quý IV năm 2010, rất nhiều các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… đã sử dụng lãi suất như một công cụ để đối phó với lạm phát. Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng cho biết nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong tháng 4 tới.

Theo IMF, thế giới đang phải đối mặt với thời kỳ giá lương thực tăng kéo dài, dẫn đến CPI tại nhiều nước tăng cao trong năm 2011. Các hiệu ứng tầng 1 (first-round effects) trực tiếp này rồi sẽ sớm qua đi. Tuy nhiên, khi người dân quan ngại về giá lương thực sẽ tiếp tục tăng, họ bắt đầu yêu cầu mức lương cao hơn. Và điều này sẽ dẫn đến hiệu ứng tầng 2 (second-round effects): tăng lạm phát cơ bản (core inflation). Đa phần các chuyên gia kinh tế cho rằng hiệu ứng tầng 2 mới là thách thức thực sự đối với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển và nền kinh tế mới nổi.

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, ông Olivier Blanchard, cho rằng hiện không dám chắc có chính sách kinh tế truyền thống hoặc phát minh mới nào có thể đối phó với tình trạng lạm phát hiện nay khi có quá nhiều rủi ro đi kèm với một nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi sâu sắc. “Không còn cách nào khác là phải từng bước giải quyết các khó khăn hiện tại”, ông Olivier Blanchard nói.

Theo SGGP


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.