Multimedia Đọc Báo in

Bờ Biển Ngà trước nguy cơ nội chiến

18:17, 09/04/2011

Ở Bờ Biển Ngà, cuộc giao tranh giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống đắc cử Alassane Ouattara và lực lượng trung thành với Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo vẫn chưa có dấu hiệu tạm lắng. Dư luận thế giới đang lo ngại về một kịch bản nội chiến có nguy cơ lặp lại tại Bờ Biển Ngà khi mà tham vọng quyền lực cao hơn lợi ích toàn dân.

Cuộc tranh giành quyền lực khởi phát khi Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo, bất chấp sức ép của quốc tế, kiên quyết không trao quyền lực cho ứng cử viên được quốc tế công nhận thắng cử trong cuộc bầu cử tháng 11-2010 là ông Alassane Ouattara. Xung đột chính trị và xung đột vũ trang đã được đẩy lên mức cao khi ông Alassane Outara quyết định tấn công nhằm co hẹp vùng ảnh hưởng của ông Laurent Gbagbo. Đến nay, lực lượng của ông Alassane Ouattara đã giành được ít nhất 5 thành phố miền Tây, trong đó có thành phố cảng San Pedro và thủ đô chính trị Yamoussoukro. Việc lực lượng của ông Alassane Ouattara ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô hành chính Abidjan từ 21giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 31-3 đến ngày 3-4 và ra lệnh đóng cửa biên giới trên bộ, trên biển và trên không của Bờ Biển Ngà cho thấy, ông Ouattara đang chiếm ưu thế.

Người dân Bờ Biển Ngà đã phải tới Lyberia để tránh cuộc nội chiến. (Ảnh: Getty Images)
Người dân Bờ Biển Ngà đã phải tới Lyberia để tránh cuộc nội chiến. (Ảnh: Getty Images)

Những cuộc xung đột liên tiếp trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề, biến Bờ Biển Ngà thành một chiến địa. Chỉ trong vòng một ngày giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Duekoue ở miền Tây hôm 29-3, đã có 800 người chết. Đến nay, lãnh đạo hai lực lượng chống nhau vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về vụ “thảm sát” này. Trong khi đó, giao tranh giữa hai phe phái tại thủ đô hành chính Abidjan - nơi có dinh thự của Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo - khiến nhiều người dân phải dời bỏ nhà cửa để tránh “tên bay đạn lạc”, còn những người nước ngoài cũng phải sơ tán. Hơn 1.500 người nước ngoài phải lánh nạn tại một doanh trại của quân đội Pháp. Trước đó, Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Bờ Biển Ngà cũng đã sơ tán khoảng 200 nhân viên sau những cuộc tấn công thường xuyên của các lực lượng trung thành với Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo nhằm vào trụ sở cơ quan này.

Các cuộc tấn công liên tiếp những ngày qua của Lực lượng mới (FN) ủng hộ ông Alassane Ouatara, cùng với sức ép từ quốc tế, trong đó có Nghị quyết 1975 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt như cấm đi lại và phong toả tài sản đối với ông Laurent Gbagbo, cùng vợ và 3 phụ tá thân cận nhất, khiến ông này cùng lực lượng trung thành thu hẹp ảnh hưởng, lực lượng bị tiêu hao và đối diện với sự cô lập quốc tế.

Tuy nhiên, hy vọng về một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình cũng trở nên mong manh khi đến nay ông Gbagbo vẫn phớt lờ tối hậu thư do ông Guillaume Soro - Thủ tướng được ông Alassane Ouattara chỉ định - yêu cầu ông Laurent Gbabo từ chức trước 19 giờ GMT ngày 31-3 “để tránh gây thêm đổ máu, nếu không sẽ bị tấn công”. Giới phân tích không loại trừ khả năng xảy ra đối đầu quyết liệt hơn nữa giữa hai phe Gbabo và Ouattara.

Trong khi đó 4 tháng qua đã có hàng trăm người Bờ Biển Ngà thiệt mạng. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính, 300.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi khủng hoảng chính trị này, 90.000 người lánh nạn sống tại các trại tị nạn của Liên Hợp Quốc ở biên giới với Liberia. Bờ Biển Ngà – nơi được mệnh danh là đất nước của kim cương vốn đã tan hoang vì cuộc nội chiến 2002-2003, nay lại đứng trước nguy cơ nội chiến mới, khi mà tham vọng quyền lực được đặt lên trên lợi ích toàn dân.

Theo VOV

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.