Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện quy hoạch phát triển GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025 Vẫn còn nhiều bất cập

10:13, 06/12/2016

Nghị quyết 94/2013/NQ-HĐND, ngày 19-7-2013 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2025 (Nghị quyết 94) đã thực hiện gần 3 năm, bên cạnh nhiều kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, bất cập.

Nhiều đơn vị… không biết Nghị quyết

Báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 94 đánh giá, ngoài Quyết định 1539/QĐ-UBND ngày 1-8-2013 của UBND tỉnh, có rất ít văn bản của Sở GD-ĐT đề cập đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết này; một số địa phương như Ea H’leo, Lắk, TP. Buôn Ma Thuột trong triển khai nhiệm vụ phát triển GD-ĐT chưa gắn kết với thực hiện Nghị quyết 94; nhiều trường học, cơ sở đào tạo thừa nhận… không biết về Nghị quyết 94.

Một tiết học ở Trường Tiểu học Lý Tự Trọng xã Ea Uy, huyện Krông Pắc.
Một tiết học ở Trường Tiểu học Lý Tự Trọng xã Ea Uy, huyện Krông Pắc.

Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, chất lượng giáo dục ở các trường thuộc vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số còn thấp; việc tổ chức phụ đạo học sinh yếu chưa được quan tâm đúng mức; nhiều mục tiêu phát triển giáo dục theo cấp và ngành học đến năm 2015 không đạt... Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đến lớp đạt 9,3% (thấp hơn mục tiêu của Nghị quyết 5,7%); tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 62,26% (Nghị quyết là 80%); tỷ lệ học sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề chỉ đạt 6,34% (mục tiêu 12%); tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia đạt 9,26% (mục tiêu 25%) …

Toàn tỉnh còn 3 xã, phường chưa có trường THCS, 6 xã chưa có trường THCS độc lập, 167/2.151 thôn buôn (chiếm 7,76%) chưa có phòng, lớp học mầm non. Cơ sở vật chất của các trung tâm giáo dục thường xuyên được đầu tư khá khang trang nhưng chưa sử dụng hết công năng. Không ít trường đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn “nợ” tiêu chí về cơ sở vật chất. Việc cho phép thành lập phân hiệu Trường Trung cấp Y dược Hà Nam, phân hiệu Trường Trung cấp Bách Nghệ Thanh Hóa không có trong quy hoạch, trong khi đó một số trường như Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên, phân hiệu Đại học Đông Á, phân hiệu Đại học Bình Dương có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập...

Để Nghị quyết vào cuộc sống

Bà Phan Thị Như Thủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho biết, cùng với nguyên nhân khách quan do tác động của suy thoái kinh tế, nguồn ngân sách của tỉnh khó khăn; một bộ phận cha mẹ học sinh chưa nhận thức đầy đủ, thiếu quan tâm đến việc học của con em… thì UBND tỉnh, Sở GD-ĐT và một số UBND cấp huyện chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện Nghị quyết 94.

 Từ năm 2013 đến nay, tổng kinh phí chi thực hiện Nghị quyết 94 là 11.319,6 tỷ đồng, trong đó năm 2013: 3.596,861 tỷ đồng, 2014: 3.792,828 tỷ đồng và 2015: 3.929,996 tỷ đồng (năm 2012: 2.415,993 tỷ đồng). Nguồn xã hội hóa liên tục tăng qua các năm, 2013 huy động 19,017 tỷ đồng, 2014: 20,225 tỷ đồng và 2015: 23,134 tỷ đồng.

Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố thiếu chủ động kêu gọi, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Một số địa phương vẫn đang trong tình trạng thiếu giáo viên, nhất là bậc mầm non. Việc đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số những năm qua chủ yếu tập trung cho xây dựng cơ sở vật chất, giải quyết chế độ cho giáo viên và học sinh, mà chưa bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học…

Theo Ban Văn hóa - Xã hội, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 94 giai đoạn 2011-2015, xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết cho giai đoạn 2016-2020. Trong đó cần làm rõ trách nhiệm của UBND các cấp chưa tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục từ đó có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, sử dụng, điều động, luân chuyển hợp lý trên tinh thần tinh giản biên chế.

Thầy trò Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) đang dạy và học trong căn phòng   được xây dựng từ trước năm 1975.
Thầy trò Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) đang dạy và học trong căn phòng được xây dựng từ trước năm 1975.

UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình phân bổ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học cần có sự gắn kết với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cần tăng kinh phí chi ngoài yếu tố lương cho các nhà trường để đạt tỷ lệ 20/80. Cùng với khuyến kích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục ngoài công lập, cần kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh để thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường công lập…  

Mục tiêu chung của Nghị quyết 94

Giảm bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm dân cư có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; Tăng cường cơ sở vật chất, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục, phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc và vùng có nhiều khó khăn; Nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện đổi mới chương trình nội dung sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy; Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập Trung học cơ sở và phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi; Đổi mới phương pháp lập và giao kế hoạch ngân sách cho giáo dục và thực hiện quyền tự chủ tài chính tại các đơn vị, trường học; Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp và trường học.

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.