Multimedia Đọc Báo in

Cần phân cấp nhiệm vụ và thẩm quyền công bố thủ tục hành chính ở địa phương

06:42, 17/07/2016
Công bố thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác kiểm soát TTHC đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8-6-2010 về kiểm soát TTHC.
 
Đây là biện pháp công khai TTHC nhằm bảo đảm thực hiện kịp thời, đầy đủ, chính xác, đồng bộ và minh bạch TTHC, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhân dân kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC, góp phần phòng, chống tiêu cực, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền các cấp. 
 
Việc công bố TTHC phải được thực hiện thường xuyên, liên tục cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có quy định về TTHC. Nói rõ hơn là, khi văn bản QPPL có quy định về TTHC mới thì các sở, ngành có thực hiện TTHC thuộc tỉnh (gọi chung là các Sở) phải kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố TTHC mới đó; và khi văn bản QPPL có quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ TTHC nào khác thì phải tham mưu cho công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ TTHC đó cho phù hợp, bảo đảm sau khi văn bản QPPL có hiệu lực thi hành, các TTHC phải được các cá nhân, tổ chức biết và áp dụng thực hiện. Có thể nói, việc cập nhật các văn bản bản QPPL có quy định về TTHC để kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố là nhiệm vụ thường xuyên, bắt buộc. 
Cách làm này sẽ đề cao và gắn trách nhiệm cập nhật, công bố TTHC của người đứng đầu các sở với việc thực hiện TTHC cho công dân, tổ chức; rút ngắn quy trình, thời gian công bố TTHC, góp phần đảm bảo niêm yết, công khai TTHC kịp thời, nhanh chóng; dễ xác định trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có liên quan nếu để xảy ra tình trạng chậm công bố; giúp giảm tải hoạt động này ở các sở của tỉnh. 

Tuy nhiên, trên thực tế thẩm quyền công bố vẫn còn cứng nhắc, chưa hợp lý và quy trình công bố vẫn còn rườm rà, trong khi đó nội dung của TTHC thường xuyên bị thay đổi. Cụ thể: Theo quy định của Nghị định 63/2010/NĐ-CP, ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh là người duy nhất có thẩm quyền công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh và các Sở có trách nhiệm tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định công bố TTHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, bao gồm cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và cấp xã theo quy trình 4 bước: các sở xây dựng dự thảo Quyết định và chuyển cho Sở Tư pháp kiểm soát chất lượng; Sở Tư pháp thực hiện kiểm soát chất lượng và chuyển lại cho các sở hoàn chỉnh; sau khi hoàn chỉnh, các sở chuyển đến Văn phòng UBND tỉnh để trình Chủ tịch UBND tỉnh ký; Chủ tịch UBND tỉnh ký và Văn phòng UBND tỉnh phát hành, gửi đến cơ quan có liên quan để niêm yết, công khai. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, TTHC vừa được Chủ tịch UBND tỉnh công bố xong lại phải dự thảo để công bố sửa đổi, bổ sung lại, vì văn bản QPPL tiếp tục có thay đổi… Điều này dẫn đến tiến độ công bố TTHC bị kéo dài, không bảo đảm tính kịp thời, làm ảnh hưởng đến quá trình công khai, minh bạch và thực hiện TTHC, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của nhiệm vụ công bố TTHC. Cũng vì thế mà nhiệm vụ công bố TTHC trở thành “gánh nặng” đối với các cơ quan tham mưu thực hiện.

Vì vậy, nhiều địa phương hiện nay rất mong cơ quan có thẩm quyền xem xét, đề ra giải pháp khắc phục và sửa quy trình công bố TTHC cho phù hợp. Một trong những giải pháp có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao là “phân cấp nhiệm vụ và thẩm quyền công bố TTHC cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận, thực hiện TTHC cho công dân, tổ chức”. Theo đó, ở địa phương cần tập trung phân cấp nhiệm vụ này như sau: Ở cấp tỉnh, phân cấp cho giám đốc các sở trực tiếp tiếp nhận, thực hiện TTHC có trách nhiệm và thẩm quyền công bố TTHC được thực hiện tại các sở, đơn vị này (các phòng chuyên môn của Sở sẽ chủ trì phối hợp với cán bộ làm đầu mối kiểm soát TTHC tham mưu công bố như hiện nay); ở cấp huyện, phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm và thẩm quyền công bố TTHC được thực hiện tại các phòng, đơn vị cấp huyện (các phòng chuyên môn cấp huyện sẽ chủ trì phối hợp với Phòng Tư pháp để tham mưu thực hiện công bố); ở cấp xã, phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm và thẩm quyền công bố TTHC được thực hiện tại UBND cấp xã (cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC cấp xã sẽ tham mưu công bố).
 
Việc phân cấp thẩm quyền nhiệm vụ và thẩm quyền công bố TTHC nêu trên bảo đảm cơ sở pháp lý và phù hợp với xu hướng chung về cải cách nền hành chính hiện nay của nhà nước ta, bảo đảm quy định theo Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21-3-2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần đánh giá lại toàn bộ hoạt động công bố kiểm soát TTHC trong phạm vi cả nước và có giải pháp điều chỉnh khắc phục những bất cập trong quy trình công bố TTHC hiện nay cho phù hợp, trong đó cần quan tâm đến giải pháp “phân cấp nhiệm vụ và thẩm quyền công bố TTHC cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận và thực hiện TTHC”.          
    
Hoàng Trọng Hùng

Hoàng Trọng Hùng


Ý kiến bạn đọc