Multimedia Đọc Báo in

Sự sám hối muộn màng…

11:00, 29/11/2015

Sau những vụ tai nạn giao thông (TNGT), ngoài việc mất mát về vật chất và tinh thần thì đối với một số trường hợp còn bị ám ảnh, vướng vào vòng lao lý, tù tội.

Kể từ ngày chấp hành án tại Trại giam Đắk Trung (huyện Cư M’gar), phạm nhân Nguyễn Minh Châu (SN 1989, ngụ tại xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp) vẫn còn ám ảnh bởi vụ TNGT do chính mình gây ra. Khoảng 19 giờ 30 ngày 19-12-2014 khi đang điều khiển xe đầu kéo trên tỉnh lộ 1 đoạn qua địa bàn xã Ia Jlơi, do không làm chủ tốc độ, cộng với tâm lý chủ quan khi đi trên đường vắng, Châu đã gây ra tai nạn khiến một người chết, một người bị thương nặng, phương tiện của người bị nạn hư hỏng hoàn toàn. Vì hốt hoảng, anh đã trốn khỏi hiện trường và sau đó đi trình báo sự việc với công an địa phương. Điều khiển phương tiện gây tai nạn nghiêm trọng, anh Châu bị tòa tuyên án 3 năm tù và phải bồi thường cho người bị nạn số tiền 120 triệu đồng. Do không còn cha mẹ, cuộc sống đơn thân, để có tiền bồi thường, anh Châu phải vay mượn bà con. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng bởi ngoài những người ruột rà thân quen ra không ai dám cho anh mượn tiền. Giờ đây, những ngày tháng ròng rã ở trong trại giam, anh mới thấy được cái giá của mình phải trả, hối hận bởi mình đã gây ra cái chết oan uổng cho người vô tội và cảm nhận được sự quý giá của sự tự do. Tính từ ngày vào Trại giam Đắk Trung đến nay đã hơn 1 năm – đó là những ngày tháng dài lê thê đối với một thanh niên trẻ tuổi như Châu. Những ngày đầu, anh không thể nào ngủ được, cứ nhắm mắt lại thấy hình ảnh của các nạn nhân trong vụ tai nạn. Anh cảm thấy rất ân hận, tiếc nuối vì một phút bất cẩn của mình. Những ngày tháng cải tạo trong trại anh mới thấm thía câu nói “Đừng nhanh một phút… chậm cả đời” mà mọi người thường nhắn nhủ với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Phạm nhân tại Trại giam Đắk Trung (huyện Cư M’gar)  được đặc xá làm thủ tục trước khi ra trại.
Phạm nhân tại Trại giam Đắk Trung (huyện Cư M’gar) được đặc xá làm thủ tục trước khi ra trại.

Phạm nhân Lê Thanh Phúc (SN 1971, trú tại xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cũng luôn cảm thấy ăn năn vì gây ra hậu quả chết người. Anh kể, vào tối ngày 5-6-2014, sau khi uống rượu với bạn bè, trong người có hơi men nhưng anh vẫn điều khiển xe máy về nhà. Điều không may đã xảy ra, khi chỉ còn cách nhà khoảng 200 mét, anh không làm chủ tốc độ, đi lấn đường nên đã tông trực diện vào xe máy đi chiều ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến 2 chị em đi trên xe máy thương vong, trong đó, em Đỗ Trọng Nghĩa (SN 2000) tử vong tại chỗ, còn chị gái là Đỗ Thị Thủy (SN 1998) bị thương nặng. Sau khi gây tai nạn, vì biết mình sai, anh đã lo chạy khắp nơi để vay tiền hỗ trợ cho gia đình nạn nhân, bản thân anh bị kết án 9 tháng tù giam với tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Gia đình làm nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, anh vào tù, đồng nghĩa với việc thiếu đi một lao động chính và để lại một khoản nợ nần chồng chất đối với vợ con. Nhà có 4 con, trong đó 3 con đang tuổi ăn học, chỉ có 1 ha cà phê, thu nhập chẳng đáng là bao. Để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, anh thường đi làm thuê, còn vợ lo việc nương rẫy. Anh Phúc bộc bạch, 9 tháng đối với một người bình thường có thể thoáng qua rất nhanh, nhưng đối với những người đã gây ra hậu quả chết người như anh cũng như tài xế khác thì nó dài đằng đẵng, bởi đó là những tháng ngày đầy ăn năn, hối hận. Nếu khi đó anh ý thức được có hơi men trong người không nên điều khiển phương tiện, anh nghe lời bạn bè khuyên răn chờ tỉnh rượu mới về nhà thì sẽ không gây ra cái chết oan uổng cho cháu Nghĩa - một thanh niên bằng tuổi con của mình. Giờ mỗi lần có người thân đến thăm tại trại giam, anh luôn hứa với mọi người sẽ thực hiện đúng các quy định của trại, cố gắng cải tạo thật tốt để sớm về với gia đình. Cũng qua những giây phút gặp gỡ ngắn ngủi, anh không quên dặn dò con cái, người thân hãy tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật, đừng vì một chút bất cẩn dẫn đến tù tội như anh, gây ra bao nỗi đau, phiền muộn cho người khác.

Trên đây không chỉ là những lời sám hối của phạm nhân gây ra hậu quả đau lòng cho người bị nạn và người thân của họ, mà còn là bài học làm thức tỉnh nhiều người. Thay vì những hối hận muộn màng, để ngày càng bớt đi những đau thương mất mát vì TNGT, mỗi người tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, vì sự an toàn của chính bản thân mình và người khác.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc