Multimedia Đọc Báo in

Sự tận tụy của cán bộ y tế thôn, buôn

09:12, 24/02/2017

Dù vất vả, phụ cấp ít ỏi, song suốt hàng chục năm nay, nhiều cán bộ y tế thôn, buôn vẫn bám trụ với công việc, kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, được bà con buôn làng quý mến…

Vốn có nghiệp vụ về y tế từ những năm công tác trong quân đội, đến năm 1993, khi đảm nhiệm vai trò nhân viên y tế tại thôn 19, xã Cư Mta (huyện M'Đrắk), bà Hoàng Thị Nga phát huy tốt những kiến thức, kinh nghiệm sẵn có. Bà luôn hoàn thành tốt những công việc như: tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh thôn xóm, phòng chống dịch bệnh và tham gia các chương trình y tế như: Tiêm chủng mở rộng, tẩm màn phòng chống muỗi đốt, phòng chống HIV/AIDS, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3... Bà cũng thường xuyên làm tốt công tác giám sát dịch bệnh để báo cáo kịp thời lên trạm y tế xã; hướng dẫn các bà mẹ cách chăm sóc trẻ, chế độ dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ. Hằng tháng, bà Nga đều sinh hoạt chuyên môn với Trạm Y tế xã nhằm nắm bắt thông tin để về tuyên truyền cho người dân. Mỗi khi Trạm Y tế tổ chức tiêm chủng, uống vitamin A, tẩy giun hay khám sức khỏe cho nhân dân, bà Nga đều đến hỗ trợ cán bộ trạm, đồng thời tích cực tư vấn, vận động để người dân hiểu và tham gia đầy đủ.

Nhờ sự nhiệt tình, tích cực của nữ nhân viên y tế Hoàng Thị Nga, nhiều năm liền, thôn 19 không có dịch bệnh xảy ra, không còn trường hợp trẻ suy dinh dưỡng, không có trường hợp phụ nữ mang thai sinh tại nhà. Hiện nay, 100% trẻ em dưới 1 tuổi đều được tiêm phòng đầy đủ và theo dõi sức khỏe, cân nặng thường xuyên; 100% trẻ được uống vitamin A và thuốc tẩy giun; 100% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván; 100% hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trên 96% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong 10 năm trở lại đây, thôn 19 không có tình trạng sinh con thứ 3 trở lên.         

Không chỉ là cán bộ y tế thôn tích cực với công việc, bà Hoàng Thị Nga còn là cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã, tổ trưởng tổ vay vốn nhiệt huyết, đầy trách nhiệm. Ở vai trò nào, bà Nga cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được bà con trong thôn, trong xã tin yêu, quý mến.

Cũng với kiến thức y tế tích lũy được trong quân đội, năm 1996 trở về buôn làng, ông Rcăm Thanh đảm nhiệm vai trò là cán bộ y tế kiêm cộng tác viên dân số của buôn Dlung 1A, phường Thống Nhất (TX. Buôn Hồ).

Ông Rcăm Thanh (phải) đang tuyên truyền cho người dân trong buôn về cách phòng chống dịch bệnh.
Ông Rcăm Thanh (phải) đang tuyên truyền cho người dân trong buôn về cách phòng chống dịch bệnh.

Những ngày đầu khi mới nhận công việc, ông  Rcăm Thanh gặp không ít khó khăn bởi trên 90% dân số trong buôn là người dân tộc thiểu số tại chỗ, trình độ dân trí thấp, ý thức bảo vệ, giữ gìn sức khỏe chưa được người dân quan tâm, tình trạng nuôi thả động vật vẫn còn xảy ra, một số hủ tục lạc hậu trong việc chôn cất người chết vẫn còn tồn tại, việc tiêm vắc-xin cho trẻ chưa được coi trọng, hầu hết các gia đình đều chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh… dẫn đến tình trạng nhiều dịch bệnh thường xuyên xảy ra, trẻ em còi cọc suy dinh dưỡng.

Dù hoàn cảnh cũng rất khó khăn, phụ cấp công việc ít ỏi nhưng ông Rcăm Thanh vẫn thực hiện công việc với mọi tinh thần trách nhiệm. Ông không ngại khó, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe theo đúng khoa học; vận động người dân tích cực tham gia tiêm chủng mở rộng, mắc màn, phát quang bụi rậm để phòng chống sốt rét, di dời chuồng gia súc ra xa nhà... Dần dần, việc tuyên truyền, vận động của ông đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, nếp nghĩ của bà con trong buôn làng: người dân quan tâm hơn đến việc đưa con đi tiêm chủng định kỳ, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em; mỗi khi đau ốm người dân đều đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, dùng nước sạch, thực hiện ăn chín uống sôi.

Không chỉ hoàn thành tốt vai trò là cán bộ y tế buôn, ông Rcăm Thanh còn làm tốt nhiệm vụ của cộng tác viên dân số. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của ông mà tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh con thứ 3 trong buôn giảm hẳn. Không những thế, hơn 10 năm nay trong buôn không có cặp vợ chồng nào ly hôn; nhiều gia đình đẻ ít, sinh thưa, tập trung làm ăn phát triển kinh tế nên đời sống ngày càng ổn định.            

Mỹ Sự - Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc