Multimedia Đọc Báo in

Chuyện những người lính cứu nạn cứu hộ

09:41, 14/01/2017

Luôn ứng trực, sẵn sàng 24/24 giờ để khi có sự cố xảy ra là tức tốc lên đường làm nhiệm vụ ứng cứu người bị nạn, công việc vất vả, nặng nhọc của các chiến sĩ Đội cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp (Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1) luôn phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm…

Nghe kẻng là đi

Khoảng 11 giờ ngày 18-12-2016, chuông điện thoại trực ban của Đội reo lên dồn dập, gấp gáp. Một người dân báo tin tại tổ liên gia 6, thôn 4, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột xảy ra vụ việc 2 mẹ con bị rơi xuống giếng tử vong. Chưa kịp dùng cơm trưa, hơn 10 cán bộ, chiến sĩ Đội cứu nạn cứu hộ (CNCH) chuyên nghiệp lập tức xuất phát, đến hiện trường, triển khai công tác cứu nạn dưới cơn mưa trái mùa rả rích cùng cái rét thấu da thấu thịt.

Công tác cứu hộ, trục vớt thi thể 2 nạn nhân diễn ra hết sức khó khăn, bởi giếng sâu 25 mét, với 6-7 mét nước, đáy giếng rộng đến 3 mét và thiếu không khí. Bên trên mặt đất, các thành viên trong Đội vừa phải làm công tác tư tưởng, an ủi, động viên thân nhân gia đình, vừa theo dõi, hướng dẫn đồng đội bên dưới hết sức bình tĩnh, tập trung, sử dụng các phương tiện để đưa nạn nhân lên. Thời gian cứ chầm chậm trôi qua trong sự nóng ruột chờ đợi, xót xa của mọi người.

Lực lượng CNCH tham gia cứu nạn nhân bị tử vong do rơi xuống giếng tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.
Lực lượng CNCH tham gia cứu nạn nhân bị tử vong do rơi xuống giếng tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Sau 4 giờ đồng hồ, Đội đã hoàn thành công tác cứu nạn, hai nạn nhân lần lượt được đưa lên khỏi miệng giếng, các cán bộ, chiến sĩ lại nhanh chóng thu gom phương tiện, lặng lẽ rút quân sau khi thắp nén nhang cho nạn nhân xấu số.

Ngoài những vụ việc cứu nạn, xảy ra “sự đã rồi” như trên, trong một số trường hợp, những người lính CNCH còn phải căng mình, chạy đua với thời gian, giành giật từng giây, từng phút để cứu sống người bị nạn. Đơn cử như vào ngày 25-8-2016, Đội đã cứu hộ thành công nạn nhân N.T.M, trú tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột. Nạn nhân bị rớt xuống một giếng bỏ hoang tại khu vực rẫy cà phê trong hơn 12 giờ đồng hồ. 15 phút sau khi nhận tin báo, lực lượng đã có mặt, thực hiện cứu hộ, nạn nhân được đưa lên khỏi mặt giếng an toàn và chuyển đi bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ tham gia cứu chữa nạn nhân nhận định chỉ cần chậm 3 - 5 phút nữa là bà M. có thể tử vong do ngạt khí và kiệt sức.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, những chiến sĩ Đội CNCH chuyên nghiệp còn phải đối mặt với những hiểm nguy đến tính mạng khi tham gia cứu hộ những vụ hỏa hoạn, nổ bom mìn. Trong vụ hỏa hoạn lớn xảy ra vào đầu năm 2016 làm cháy dãy ki ốt trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột), các anh đã bất chấp hiểm nguy, lao mình vào lửa, cứu người mắc kẹt bên trong và đưa đồ đạc, tài sản ra ngoài, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Hay như trong vụ cháy nổ kho vật chứng tại Công an tỉnh ngày 12-12-2016, những người lính cứu hỏa cũng quên mình, quả cảm xông vào nơi hiểm nguy để tìm kiếm, đưa người bị thương đi cấp cứu kịp thời.

Gắn bó với nghề

Đại tá Nguyễn Tiến Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1 cho biết: Trước đây Đội CNCH chuyên nghiệp còn ghép với Đội chữa cháy và CNCH. Tuy nhiên trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao và để chuyên nghiệp hóa công tác CNCH, Phòng đã tách làm 2 đội riêng biệt. Hiện Đội CNCH chuyên nghiệp có biên chế 20 cán bộ, chiến sĩ, với tuổi đời còn rất trẻ.

“Mỗi lần tham gia CNCH lại là một lần đối mặt với hiểm nguy, bởi sự cố xảy ra đã là nguy hiểm, trong khi đó mình lại lao vào để cứu người, cứu nạn nên anh em phải nhiệt huyết, yêu nghề lắm mới gắn bó, trụ lại với công việc “chẳng giống ai” này”, Đại úy Hòa Quốc Khánh, Đội trưởng Đội CNCH chuyên nghiệp chia sẻ đặc thù công việc mà anh cùng đồng đội đang thực hiện.

Cùng với những rủi ro nghề nghiệp như: có thể bị ngạt dưới giếng sâu, chuột rút, tai nạn khi tham gia cứu nạn sự cố hỏa hoạn… những người lính CNCH còn làm việc trong môi trường áp lực cao. Trong các trường hợp tham gia cứu hộ đuối nước như vụ 2 mẹ con rớt giếng tại xã Ea Tu, 2 cha con tử vong tại hồ Ông Giám…, lực lượng cứu nạn làm nhiệm vụ trong trạng thái tinh thần căng thẳng, bởi ngoài việc tâm lý bị tác động bởi thân nhân các nạn nhân đang vật vã than khóc và hối thúc tìm kiếm, còn có hàng ngàn người dân hiếu kỳ, tập trung theo dõi, “thẩm định” nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ trong Đội.

Tham gia công tác CNCH còn đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, kỹ năng xử lý, phán đoán tình huống khẩn cấp để đưa ra hướng giải quyết nhanh chóng, dứt khoát, hiệu quả nhất. Trong các trường hợp đuối nước, để tìm kiếm được thi thể nạn nhân các anh phải có kinh nghiệm, xác định dòng chảy, phân tích các tình huống và đưa ra phương án tìm kiếm khả thi. Còn trong những trường hợp tử vong do ngạt khí, các anh thật bình tĩnh, hết sức cẩn trọng, thực hiện đúng các thao tác, bởi nếu thực hiện sai, không những không cứu nạn thành công mà còn nguy hiểm đến tính mạng của chính mình.

Vất vả, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy là vậy, song tất cả các thành viên trong đội vẫn gắn bó hết mình với công việc, bởi các anh cho rằng nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”, hơn nữa, khi cứu sống được một người, hoặc mang niềm ai ủi, góp phần sẻ chia, vơi bớt những mất mát đau thương cho thân nhân các nạn nhân, hơn ai hết các anh cảm nhận được ý nghĩa công việc mình đang làm. 

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc