Multimedia Đọc Báo in

Khắc ghi lời Bác

16:15, 27/07/2016
Như nhiều thanh niên đất Quảng Nam kiên trung, 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Lê Mỹ (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) lên đường nhập ngũ, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 142 (Quân khu 5). Năm 1979 khi đang làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia ông bị thương, với mức thương tật 51% (được xếp hạng thương binh ¾), năm 1981 xuất ngũ vì mất sức.
 
Trở về địa phương, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Mỹ tích cực tham gia xây dựng quê hương mới. Mới đầu, ông được Đảng ủy, chính quyền xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) cử làm Trưởng Công an xã, năm 1983 bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã và liên tục cho đến năm 2005. Ông Mỹ nhớ lại: “Lúc mới thành lập xã; dân cư thưa thớt, nhưng sau  năm 1975 người dân từ nhiều địa phương trong cả nước đến lập nghiệp kéo theo nhiều vấn đề buộc Đảng ủy, UBND xã giải quyết như: xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng cơ sở…  
Ông Mỹ trò chuyện cùng cán bộ Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH).
Ông Mỹ trò chuyện cùng cán bộ Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH).
Ngoài tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, tôi kêu gọi cán bộ, đảng viên phát huy thế mạnh của địa phương tập trung phát triển kinh tế, chăm lo phát triển giáo dục”. Không nói suông, một mặt Bí thư Đảng ủy xã Lê Mỹ cho quy hoạch mạng lưới trường, lớp học các cấp; mặt khác tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh, huyện, sự đồng lòng của nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học để con em có trường, lớp khang trang. Năm 1985, xã Ea Phê có khoảng 26 nghìn dân, nhưng duy nhất chỉ có 1 trường tiểu học thì đến năm 2005 đã 10 trường học từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Không những vậy, Đảng ủy xã còn ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm khuyến khích nhân dân động viên con em đến trường. Theo đó, mỗi em thi đỗ đại học, cao đẳng được xã tặng một suất học bổng (sổ tiết kiệm) trị giá 250.000 đồng. Nhờ sự động viên kịp thời, tỷ lệ học sinh đỗ đại học của xã Ea Phê tăng rõ rệt qua từng năm. Như gia đình ông Mỹ có 4 người con thì cả 4 con đều học đại học. “Giờ ngẫm lại, tôi thấy quyết định đầu tư cho giáo dục hồi ấy là đúng, nhiều con em trong xã đã có việc làm, thu nhập cao ổn định”.
14 năm trong quân ngũ, ông Lê Mỹ được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 2 lần được bầu chọn Chiến sĩ thi đua cấp Trung đoàn. 23 năm giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã, ông được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen. 

Vinh dự là một trong 3 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk tham dự Hội nghị toàn quốc biểu dương người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27-7 được tổ chức tại Cần Thơ mới đây, ông Mỹ không muốn kể về năm tháng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Trung khói lửa, rồi sang giúp đỡ nước bạn Campuchia, mà chỉ say sưa nói về sự nhạy bén, năng động trong phát triển kinh tế của nhiều nông dân khi đất nước hội nhập sâu rộng. Năm 2005 - khi thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, ông Mỹ về làm kinh tế gia đình. Trong khi nhiều gia đình chọn mô hình chăn nuôi heo, bò, thì ông Mỹ quyết định nuôi nhím sinh sản và đã thành công. Khi mô hình nuôi nhím khá phổ biến, không đem lại nhiều nguồn lợi, ông Mỹ chuyển sang nuôi chim công. Sau 2 năm liên tục thất bại, thậm chí có lúc gần như “cụt vốn” do chưa am hiểu kỹ thuật, ông Mỹ đã lai tạo thành công giữa giống công Việt Nam với công Ấn Độ, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục con giống, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi trên 300 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, vợ chồng ông Mỹ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho những ai có nhu cầu lập nghiệp từ nuôi chim công, nhất là thanh niên.

 
Anh Nguyên

Ý kiến bạn đọc