Multimedia Đọc Báo in

Nước về buôn xa

09:21, 09/05/2016

Từ sự hỗ trợ của huyện Krông Pắc, người dân xã Ea Yiêng đã được giải cơn khát nước sinh hoạt kéo dài mấy tháng nay.

Ea Yiêng là xã vùng III của huyện Krông Pắc, cách trung tâm huyện chừng 20 km về phía Nam, có 1.168 hộ, với 5.813 nhân khẩu, trong đó, có đến 90% là hộ đồng bào dân tộc Xê Đăng. Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, người dân xã Ea Yiêng chịu ảnh hưởng nặng của đợt hạn hán kéo dài vừa qua. Hiện tại, toàn xã có 12 ha cây trồng hằng năm, 18 ha cây trồng lâu năm bị ảnh hưởng của hạn hán; có 480 hộ (chiếm hơn 41%) thiếu nước sinh hoạt. Các hộ thiếu nước chủ yếu tập trung ở buôn Ea Mao và Kon Tay, hầu hết các gia đình phải lấy nước ở các con suối, bể nước của Giáo xứ buôn Hằng. Tuy nhiên, do hạn kéo dài, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân nhiều, trong khi các con suối trên địa bàn xã cạn khô dần, bể nước tập trung của giáo xứ cũng không đáp ứng đủ.

Với hơn 70% hộ dân thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn mới, việc bỏ một khoản  tiền từ 10-20 triệu đồng khoan giếng là điều rất khó đối với người dân Ea Yiêng. Đa số các gia đình đều sử dụng giếng khơi nên vào mùa khô thường thiếu nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải đi gánh nước ở hồ, đập về tích trữ trong can, mùa mưa hứng nước mưa vào thùng phuy dùng dần. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã, trên địa bàn xã cũng có 1 công trình nước sinh hoạt tập trung được đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay, nhưng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, ống dẫn nước ở các nhánh chính bị vỡ, nguồn nước không đủ cung ứng cho người dân. Dự báo mùa khô năm nay kéo dài, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt của người dân tiếp tục tăng lên.

Khoan giếng tại buôn Ea Mao.
Khoan giếng tại buôn Ea Mao.

Trước thực trạng đó, UBND xã đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí khoan 2 giếng tập trung cho buôn Ea Mao và buôn Kon Tay nhằm giải quyết phần nào khó khăn cho các hộ dân về nguồn nước sinh hoạt. Đến đầu tháng 4, công trình giếng khoan tại buôn Kon Tay đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng lòng mong đợi của bà con. Trước đó, cũng như các hộ dân khác trong buôn, từ khoảng tháng 2-2016, giếng của gia đình bà Đre (buôn Kon Tay) cạn sát đáy, đục ngàu, mọi thành viên trong nhà phải thay nhau đến các ao, hồ chắt từng chai nước về dùng hằng ngày, dù biết nguồn nước này không hợp vệ sinh, song đó là lựa chọn duy nhất đối với gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác. Từ khi công trình giếng khoan buôn Kon Tay hoàn thành đã đem lại nguồn nước quý trong mùa hạn khốc liệt, cũng là niềm vui không tả hết đối với bà con. Bà Đre chia sẻ, nước về bà con mừng lắm, cứ vào tầm sáng sớm hoặc chiều mát, người lớn, trẻ em trong buôn đều tập trung về giếng lấy nước, không phải đi ra các sông, hồ nữa. Cùng chung niềm vui với bà Đre, chị Pring – một người dân trong buôn phấn khởi, những ngày không có nước, mọi sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn, quần áo phải đưa ra sông, hồ giặt rất bẩn, giờ có giếng khoan gần nhà, chỉ việc ra mở công tắc điện, lắp thêm ống dẫn là gia đình chị có nước dùng.

Với phần lớn hộ dân thuộc diện hộ nghèo, buôn Ea Mao cũng được huyện hỗ trợ kinh phí khoan giếng.  Ông H’Yel, trưởng buôn Ea Mao cho biết, hiện công trình đã khoan được 30 mét và đã có nước, khoảng 1-2 ngày tới người dân trong buôn có thể lấy nước từ giếng về dùng. Được biết, buôn Ea Mao có 229 hộ, trong đó 163 hộ nghèo, trong đợt hạn kéo dài năm nay, cuộc sống càng thêm khó khăn hơn khi nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Ông Tua, một người dân bộc bạch, mấy tháng nay, giếng nước gia đình ông khô cạn, chiều chiều cả nhà kéo nhau ra đập tắm, nước đục và bẩn lắm, đêm về ngứa ngáy khắp người, cứ nghĩ đến là thấy sợ. Giờ nghe nói sắp có nước giếng khoan, ai cũng háo hức. Dự định ông sẽ đi mua mấy chục ống dẫn nước để khi giếng khoan xong sẽ đấu nối, kéo nước về dùng. 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.