Multimedia Đọc Báo in

Ẩn họa từ việc sử dụng điện thiếu an toàn

09:54, 29/01/2016

Khi đời sống ngày càng phát triển thì nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất của người dân càng tăng cao. Song hiện nay, việc lắp đặt đường dây, cách sử dụng điện của không ít hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá tùy tiện, thiếu an toàn, tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường…

Đấu nối điện tùy tiện

Do hệ thống lưới điện trung thế chỉ lắp đặt dọc theo tuyến đường liên xã nên để có nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhiều hộ dân ở xã Cư Kty (huyện Krông Bông) đã phải dùng chung công-tơ tổng được đặt ngay trụ điện đầu thôn, xóm, rồi tự mua dây dẫn điện vào công-tơ nhỏ riêng trong nhà. Trung bình, mỗi hộ phải đầu tư 3 - 5 triệu đồng chi phí mua dây, công tơ điện. Vì tùy tiện lắp đặt nên dọc theo các đoạn đường thôn, xóm, trong vườn nhà dân, dây điện được giăng mắc chằng chịt, chồng chéo nhau. Ông Trần Văn Cứ, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kty cho biết, toàn xã có 1.092 hộ dân thì có trên 140 hộ ở các thôn đang sử đụng điện thiếu an toàn. Gọi là thiếu an toàn vì người dân tự mắc hệ thống đường dây điện kiểu “mạng nhện”, chỗ thì dùng dây điện đơn, có hộ lại dùng dây cáp vặn xoắn, mỗi nhà một kiểu. Đường dây có khi chỉ cao ngang đầu, thậm chí thấp bằng đầu gối, nằm sát bụi cây, hàng rào, ven đường làng. Cột điện cũng “mỗi nhà mỗi cảnh”, chủ yếu là tận dụng cây trong vườn, cọc gỗ, cột ăng-ten tivi… để giăng mắc dây. Nhiều cột xiêu vẹo, mục nát, thậm chí đổ gãy vẫn không được thay thế. Đường dây có khi chỉ dài 10 m đã có đến 5 - 6 mối nối, nhiều đoạn đấu nối bị hở, hoặc sử dụng dây trần ngay vị trí có người thường xuyên qua lại…

Các đoàn viên thanh niên của Công ty Điện lực Đắk Lắk  giúp người dân sửa điện.
Các đoàn viên thanh niên của Công ty Điện lực Đắk Lắk giúp người dân sửa điện.

Theo ghi nhận tại một số xã như Cuôr Knia, Ea Wer (huyện Buôn Đôn), Ea Kênh (huyện Krông Pắc)…, không ít hộ nông dân sử dụng mô-tơ điện phục vụ việc tưới tiêu cho cây trồng. Đường điện phục vụ sản xuất được nhiều hộ tự ý đấu nối từ điện sinh hoạt trong nhà, kéo dây tùy tiện ra rẫy để chạy máy bơm tưới. Ông Y Luých Niê ở buôn Ea Đun, xã Ea Kênh cho hay, vào mùa khô, nhu cầu sử dụng điện sản xuất của người dân tăng đột biến. Họ sử dụng điện để chạy máy bơm tưới cho cây trồng, sấy, chế biến nông sản… Vì vậy, điện thường rất yếu và chập chờn. Nhà ông Y Luých có 5 sào cà phê, do ban ngày điện quá yếu nên ông phải “câu” điện nhờ một hộ lân cận. Dùng chung điện nên mỗi tháng ông không đóng tiền điện theo công suất thực sử dụng mà phải chia đều để đóng, mỗi tháng mùa tưới phải chi trả đến 2 - 3 triệu đồng tiền điện.

Nguy hiểm rình rập

Việc người dân tự câu nối điện tùy tiện, sử dụng thiếu an toàn đã dẫn đến không ít trường hợp tai nạn, gây thiệt hại về người và của. Còn nhớ vào khoảng tháng 10-2015, tại một đám cưới của gia đình ông Nguyễn Văn T. ở tổ dân phố 10, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) đã xảy ra vụ việc điện giật chết người. Nạn nhân là anh Nguyễn Viết Q. (thường trú thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). Khi tham gia giúp việc trong đám cưới, anh Q. đã bất cẩn vướng vào dây điện bị hở dẫn đến sự việc đau lòng trên. Trường hợp khác cũng xảy ra trong tháng 10-2015. Nạn nhân là anh Y L. Byă (trú buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar), khi đi làm rẫy bị dây điện mắc ngang thân trụ tiêu rò rỉ giật khiến anh tử vong tại chỗ. Sau đó không lâu, ông Nguyễn Văn Y. (trú thôn 11, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) trong quá trình sử dụng máy bơm nước đã bị điện giật tử vong do vướng vào dây điện hở… Hiểm họa từ việc sử dụng điện thiếu an toàn cũng đã dẫn đến những trường hợp chập cháy, gây thiệt hại lớn về tài sản. Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 28-7-2014, tại đường Y Jút (TP. Buôn Ma Thuột), do chập điện dẫn đến cháy lớn, thiêu rụi liên tiếp 11 căn nhà, thiệt hại trên 12 tỷ đồng. Hay như trường hợp ngày 8-1 vừa qua tại đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột), cháy lớn đã thiêu rụi 3 căn nhà, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện…

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Trưởng Phòng kỹ thuật an toàn, Công ty điện lực Đắk Lắk cho biết, Công ty đang quản lý, vận hành trên 9.000 km đường dây trung, hạ áp, 6 trạm biến áp trung gian, 3.706 trạm biến áp phụ tải và gần 500.000 khách hàng sử dụng điện. Theo ông Sỹ, đối với việc bán điện cho khách hàng, Công ty chỉ quản lý hệ thống truyền tải điện đến công-tơ do phía Công ty lắp đặt, phần sau công-tơ điện thì khách hàng tự đầu tư dây, các thiết bị sử dụng. Trong năm 2015, phần lưới điện do Công ty quản lý vận hành không xảy ra tai nạn điện trong nhân dân. Tuy nhiên, trước những tai nạn điện do tự câu nối, lắp đặt, sử dụng ngoài phần quản lý của Công ty xảy ra trong thời gian qua, ngành điện khuyến cao: Để bảo đảm an toàn điện cũng như bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, việc lắp đặt, sử dụng cầu dao, cầu chì, áp-to-mát, công tắc, ổ cắm điện trong nhà, người dân phải đặt ở vị trí khô ráo, cao hơn sàn nhà ít nhất 1,4 m để tránh ngập nước và bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ. Mọi người không nên tự ý câu móc điện từ hệ thống điện do công ty quản lý; không xây nhà và trồng cây xanh vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện; không dựng ăng-ten gần đường dây điện, không dùng điện để chống trộm, rà cá, bẫy chuột; không thả diều gần đường dây điện làm mất an toàn cho con người và thiết bị. Bên cạnh đó, người dân cần tăng cường công tác kiểm tra, thay mới dây điện cũ kỹ sau công-tơ để tự bảo vệ người, tài sản của mình và mọi người xung quanh…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc