Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 123 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890-19-5-2013)

Học Bác từ những điều giản dị

15:19, 18/05/2013

Từ nhiều năm nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn Dak Lak. Ở mỗi lĩnh vực khác nhau, mỗi con người khác nhau đều có những cách học tập, cách làm theo gương Bác khác nhau… Dẫu chỉ là những việc làm nhỏ, những điều giản dị trong cuộc sống, nhưng phong trào ấy đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong suy nghĩ và hành động của mỗi người… 

Gương sáng ở Cư Huê

Về xã Cư Huê (huyện Ea Kar) hỏi thăm Ama Gòng hầu như ai cũng biết. Họ không chỉ biết mà còn nể trọng ông, bởi những gì ông nói đều hợp lý hợp tình, những gì ông làm luôn khiến nhiều người khâm phục.

Ama Gòng tên thật là Ya Thanh (SN 1950), trú ở buôn M’oa, xã Cư Huê, hiện đang là đội phó đội công tác phát động quần chúng chuyên trách (đội 253) xã Cư Huê. Ông cũng là người dân tộc thiểu số tại chỗ duy nhất ở huyện Ea Kar vinh dự được dự Lễ tuyên dương các cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Dak Lak năm 2012.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ ở đầu buôn, Ama Gòng tỏ ra rất khiêm tốn khi nói về “thành tích” học tập và làm theo lời Bác. Bởi theo ông, đó không phải là “thành tích” mà là trách nhiệm, là công việc bình thường của người cán bộ ở cơ sở. Quan điểm của Ama Gòng đối với việc học tập và làm theo lời Bác không phải là hô hào khẩu hiệu mà phải thể hiện bằng thực tế, từ những việc làm cụ thể. Ông tâm sự: “Tôi cũng đã được học tập nhiều chuyên đề về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do huyện, xã tổ chức. Chính từ những chuyên đề ấy, tôi đã nghiệm ra một nguyên tắc làm việc rất đơn giản mà vô cùng ý nghĩa theo lời của Bác dạy, đó là: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”...

Chính với nguyên tắc làm việc ấy, Ama Gòng đã không nề hà bất cứ công việc gì, miễn là “có lợi cho dân”. Với Ama Gòng, đã là cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở thì yêu cầu đầu tiên là phải gần dân, sát với dân. Có như vậy thì mới hiểu được dân, mới đưa được chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với dân… Đặc biệt, với nhiệm vụ là phát động quần chúng, Ama Gòng càng phải sâu sát với quần chúng nhân dân hơn nữa để tuyên truyền vận động, giúp đỡ đồng bào… Với suy nghĩ đó, từ năm 2005 đến nay, khi được phân công về làm đội phó Đội 253 ở xã Cư Huê, dấu chân của Ama Gòng đã in đậm tận mọi ngõ ngách các buôn trong xã, bước “mòn” cả bậc nhà sàn của đồng bào… Ông kể: Vào thời điểm 2005, tình hình an ninh chính trị ở địa phương tương đối phức tạp. Ở một số địa phương đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ do nhẹ dạ cả tin nghe theo lời dụ dỗ, kích động của bọn phản động nên đã lén lút làm những điều sai trái. Trước tình hình đó, ông cùng anh em trong Đội công tác 253 không kể ngày đêm đi gõ cửa từng nhà, vận động giáo dục, giải thích đến từng người âm mưu thâm độc của bọn phản động. Nhờ đó, trên địa bàn xã Cư Huê không hề có ai tham gia biểu tình hoặc vượt biên trái phép. Ngược lại, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được giữ vững ổn định, đồng bào các dân tộc trong xã luôn đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất…

Ama Gòng vinh dự được nhận Bằng khen của Tỉnh ủy vì có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012.
Ama Gòng vinh dự được nhận Bằng khen của Tỉnh ủy vì có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012.

Lại nói đến chuyện giúp dân phát triển sản xuất, Ama Gòng nhớ lại: cách đây chỉ vài năm thôi, đồng bào trong xã vẫn còn tỏ ra xa lạ với việc trồng rau, chăn nuôi theo kiểu tập trung, trong khi đất vườn nhà lại bỏ hoang rất lãng phí. Thế là ông một mặt vận động bà con cuốc đất trồng rau cải thiện bữa ăn, một mặt mình xắn tay áo lên làm trước. Ban đầu, nhiều người lưỡng lự bởi không biết cách trồng, ông nhổ rau trong vườn nhà trồng được đem tặng để ăn rồi hướng dẫn cách làm đất, gieo giống, bón phân… Dần dà, người này học người kia, nhà nào trong vườn cũng có vài luống rau xanh để cải thiện bữa ăn. Xong việc trồng rau, ông lại bàn với anh em trong đội công tác góp tiền mua heo giống để tặng hộ nghèo chăn nuôi. Ama Gòng kể: Vì điều kiện khó khăn chung nên anh em góp tiền chỉ mua được 2 con heo giống để tặng cho hộ nghèo nuôi. Ban đầu cứ nghĩ là cho họ nuôi để động viên. Không ngờ việc này lại phát huy hiệu quả nhất định. Hộ này nuôi heo cho sinh sản xong lại tự nguyện chuyển heo giống cho hộ khác nuôi. Cứ vậy, các buôn trong xã dấy lên phong trào chăn nuôi rất hiệu quả, tạo nên nguồn thu nhập đáng kể trong nhân dân. Kết quả này như liều thuốc tinh thần động viên anh em trong đội công tác. Mọi người lại bàn nhau hỗ trợ giống cây công nghiệp cho bà con trồng trên rẫy. Nghĩ là làm, trong đội lại góp tiền xây dựng nên một vườn ươm được 15.000 cây giống các loại tặng cho bà con trồng…

Dẫu chỉ là những công việc bình thường, giản dị, nhưng Ama Gòng lại được người dân ở xã Cư Huê biết đến như một tấm gương sáng để học tập và răn dạy con cháu noi theo. Người dân nể trọng ông và kính phục ông bởi những gì ông nói đều hợp lý hợp tình, những gì ông làm luôn đem lại lợi ích cho dân… Còn với Ama Gòng, chỉ có một “bí quyết” để người dân nghe theo mình, tin theo mình, đó là phải giữ được phẩm chất đạo đức của người cán bộ trong công tác, trong quan hệ với mọi người cũng như trong sinh hoạt gia đình.

Cứu người là nhiệm vụ vẻ vang

Trong khi đang phụ mổ trong phòng phẩu thuật, nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu nguy kịch do mất máu quá nhiều, một bác sĩ đã không ngần ngại vén tay áo lấy máu của mình truyền trực tiếp để cứu sống bệnh nhân… Đó là hành động cao cả đáng được tuyên dương của bác sĩ trẻ Thạch Thị Thắng (SN 1984) hiện đang công tác tại khoa phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.

Đến bây giờ, bác sĩ Thắng vẫn nhớ như in ca trực của mình hôm ấy. Đó là vào một đêm khuya cuối năm 2012, Khoa phụ sản Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh tiếp nhận sản phụ Bùi Thị Thảo ở thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar. Bệnh nhân Thảo nhập viện trong tình trạng sau khi sinh đến giờ thứ 8, bệnh nhân choáng do mất máu quá nhiều, rối loạn đông máu, tử cung co hồi kém, huyết áp tụt thấp, mạch nhanh, nhỏ. Theo chẩn đoán thì bệnh nhân thiếu máu nặng do băng huyết sau khi sinh ở tuyến dưới, tổn thương đường sinh dục. Tình trạng sức khỏe bệnh nhân vô cùng nguy kịch. Bệnh nhân Thảo ngay lập tức được hồi sức và chuyển vào phòng mổ. Do bệnh nhân bị rách tầng sinh môn phức tạp nên các bác sĩ phải mất nhiều giờ liền để cắt lọc và khâu. Cũng bởi do bệnh nhân bị rối loạn đông máu nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh viện đã phải truyền đến 7 đơn vị máu dự trữ nhưng bệnh nhân vẫn không thoát khỏi tình trạng nguy kịch do máu không đông. Tình hình nguy cấp đó đòi hỏi phải có một lượng máu sống trực tiếp truyền vào để cải thiện rối loạn đông máu. Nhưng lấy máu ở đâu? Trong khi bệnh nhân chỉ có chồng là người nhà duy nhất ở bệnh viện lúc đó, mà lại không trùng nhóm máu. Lúc bấy giờ, ngay trong phòng mổ, biết bệnh nhân có cùng nhóm máu với mình, bác sĩ Thắng không ngần ngại vén tay áo lấy máu nóng của mình truyền trực tiếp cho bệnh nhân. Nhờ đó, bệnh nhân Thảo đã qua cơn nguy kịch và hồi phục sức khỏe sau 8 ngày điều trị.

Tiếp xúc với bác sĩ Thắng, thật không khỏi bất ngờ bởi trông cô không được “khỏe” như những người đi hiến máu bình thường. Và càng bất ngờ hơn khi nhận được câu trả lời từ cô: “Lúc đó em đâu có nghĩ đến sức khỏe của mình. Cứu người là quan trọng nhất. Ở vào thời khắc đó, không riêng gì em mà chắc chắn ai cũng sẵn sàng cho máu để cứu người. Hơn nữa em là một bác sĩ nên điều đó cũng hết sức bình thường…”. Nhận xét về nữ bác sĩ nhân viên của mình, bác sĩ Nguyễn Quang Hùng, Trưởng Khoa phụ sản Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh tự hào khoe: Việc làm của bác sĩ Thắng thật sự là tấm gương về y đức để các y sĩ, bác sĩ trong khoa noi theo. Riêng đối với Thắng, mặc dù là bác sĩ mới ra trường nhưng rất nhiệt huyết và say mê với nghề, nhờ đó mà chuyên môn cũng ngày càng tiến bộ rõ rệt. Trong công việc của mình, Thắng luôn có trách nhiệm, luôn biết gần gũi, chia sẻ và động viên bệnh nhân…

Bác sĩ Thạch Thị Thắng luôn tâm niệm:
Bác sĩ Thạch Thị Thắng luôn tâm niệm: "Cứu người là nhiệm vụ vẻ vang" theo lời Bác Hồ dạy.

Còn với nữ bác sĩ trẻ Thạch Thị Thắng thì công việc chữa bệnh cứu người là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của mình. Như lời Bác Hồ dạy các cán bộ ngành y tế: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng”.

Người bí thư chi bộ tận tâm với công tác địa phương

Sau 25 năm gắn bó với công tác chuyên môn là Trưởng Phòng tổ chức Chi cục cơ khí nông nghiệp, thuộc Sở NN-PTNT Dak Lak, năm 2005, ông Lê Thế Thiện về hưu. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Thiện vẫn hăng hái tham gia các hoạt động của phong trào đoàn thể tại địa phương. Sống chan hòa, đoàn kết và hết lòng với người dân nên được bà con tin tưởng bầu làm Khối trưởng, Bí thư chi bộ khối 6, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột. Dưới sự dẫn dắt của ông Thiện, Chi bộ khối 6 nhiều năm liền đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh cấp thành phố.

Lấy tấm gương Bác Hồ làm phương châm sống và làm việc của mình, ông Thiện luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sáng tạo trong công việc, gương mẫu đi đầu thực hiện mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Bên cạnh việc lắng nghe ý kiến nguyện vọng của đảng viên, quần chúng để phản ánh với cấp trên, ông còn thường xuyên đến từng hộ dân trong khối để vận động việc xử lý tốt các vấn đề về chất thải nông nghiệp và vệ sinh môi trường; đồng thời vận động từng hộ gia đình cố gắng cho con đi học đầy đủ, tuyên truyền giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, khó khăn vướng mắc của bà con. Đặc biệt, để khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ông Thiện đã liên kết với các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Cựu chiến binh… của phường Ea Tam phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Trung tâm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh, hằng năm tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cho người dân trong khối 6 (tham gia học hỏi và ứng dụng rộng rãi trên địa bàn. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất được phát triển như mô hình trồng rau sạch, sản xuất cà phê bền vững, trồng nấm, nuôi cá… đem lại hiệu quả kinh tế khá cho nhiều hộ gia đình. Ông Thiện chia sẻ: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “làm mọi việc gì có thể làm được có lợi cho dân, mặc dù nhỏ vẫn phải làm”, năm 2010, tôi đã khởi xướng cuộc vận động người dân trong khối quyên góp được 1,4 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng và làm mới 1,5 km đường bê tông trong khu dân cư, khắc phục được tình trạng lầy lội trong mùa mưa mà bấy lâu nay bà con phải gánh chịu. Đây cũng là tuyến đường đầu tiên của phường Ea Tam thực hiện theo chương trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để noi gương cho các tổ dân phố khác làm theo.

Không chỉ là một cán bộ hết lòng vì công việc, ông Lê Thế Thiện còn là con người mẫu mực trong gia đình.
Không chỉ là một cán bộ hết lòng vì công việc, ông Lê Thế Thiện còn là con người mẫu mực trong gia đình.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Bí thư Đảng ủy phường Ea Tam cho biết, không những làm tốt công tác chỉ đạo, lãnh đạo chi bộ, ông Thiện còn là người đi đầu trong công tác xã hội từ thiện. Trong khối 6 có những hộ gặp khó khăn, hay lúc ốm đau, tang ma, ông đều vận động bà con giúp đỡ với tinh thần “lá lành đùm lá rách” hoặc trích tiền từ lương hưu ít ỏi của mình giúp các hộ nghèo đỡ khốn khó. Tận tụy với công việc, có lối sống chan hòa, giản dị, ông Thiện được bà con lối xóm tin tưởng quý mến. Nhiều năm liên tục, ông được thành phố, phường Ea Tam khen thưởng về thành tích trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Không chỉ là người cán bộ gương mẫu, năng động, nhiệt tình với công tác xã hội, đối với gia đình, ông Lê Thế Thiện còn là người cha, người chồng, người ông mẫu mực để con cháu noi theo. Gia đình ông có 3 người con đều được học hết bậc đại học và có công việc ổn định, được bà con láng giềng yêu mến nhận xét là “gia đình kiểu mẫu” để học hỏi. Nhiều năm liền, gia đình ông Thiện đều đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa cấp phường.

Việt Cường - Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.