Multimedia Đọc Báo in

Những người Dak Lak và giấc mơ Sài Gòn

21:08, 17/08/2010

Những tòa nhà cao chót vót, những khu mua sắm sang trọng, những chiếc xe hơi lướt đi trên xa lộ, đêm về quán xá lấp lánh ánh đèn trang trí đủ màu sắc... Đó là Sài Gòn trong khao khát của hàng nghìn người đổ về đây vì cuộc mưu sinh. Và ở đó cũng có cả những giấc mơ đổi đời của những người quê Dak Lak, lặn lội đến đây vì “miếng cơm manh áo”.

Tôi đến một khu trọ dành cho công nhân thuê (tại chợ Hiệp Thành, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) vào một tối Sài Gòn mưa, nước ngập tới mắt cá chân trên một hành lang dài và hẹp dẫn vào khu trọ. Ở đây, nếu không bước ra ngoài thì không thể có được khái niệm về thời gian, vì dù là đêm hay ngày thì cũng chỉ có một thứ ánh sáng của đèn điện, ánh nắng của mặt trời không lọt vào được. Có rất nhiều người quê ở Dak Lak, họ rất cởi mở, hầu hết đều còn rất trẻ (có người chỉ 15 tuổi), mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một ước muốn là kiếm được thật nhiều tiền, để gia đình bớt nghèo.

Ước gì em trúng số
Với số tiền lương căn bản chỉ hơn 1 triệu đồng một tháng, những công nhân ở đây phải tăng ca liên tục thì mới đủ trang trải tiền nhà, tiền ăn hàng tháng và tích góp gửi về cho gia đình. Sáng đi làm đến 9-10 giờ đêm mới về đến nhà, những ngày thứ bảy hoặc chủ nhật thì được về sớm hơn. Làm đến thế nhưng họ cũng chỉ dám thuê những căn phòng trọ rẻ tiền, và những khu trọ này vào mùa mưa nước ở cống tràn lên cả sàn nhà, bốc mùi hôi thối. Thế nhưng họ vẫn chịu đựng, ước mơ của họ cũng rất thật: “hồi trước ở quê thì em muốn lên đây kiếm tiền, vì thấy mọi người đi Sài Gòn về có nhiều tiền, nhưng giờ lên đây rồi em muốn về, em ước gì em được trúng số, em sẽ cho mỗi người ở đây một ít rồi em về quê sống chị à” – đó là lời tâm sự của một cô gái mới 16 tuổi nhưng thoạt nhìn tôi cứ tưởng cô lớn hơn cái tuổi đó nhiều, có lẽ cuộc sống ở đây đã làm cô già dặn đi nhiều. Cô gái cho biết thêm, cô vào làm ở công ty được là do cô mượn hồ sơ của người khác để vào làm, cả em trai cô mới 15 tuổi cũng vậy, mẹ cô mất sớm, bố lấy vợ hai nên chị em cô dắt nhau vào Sài Gòn kiếm sống.

Còn anh Vương (26 tuổi) làm công nhân điện lạnh thì kể: anh vào đây đã được 3 năm, ngoài phụ giúp gia đình anh còn nuôi em gái học đại học. Từ 3 năm nay sáng nào anh cũng dậy sớm, tự mình nấu cơm để mang đi, thức ăn của anh khi thì quả trứng luộc, khi thì con cá khô, cũng có lúc hết tiền thì chỉ là hũ nước mắm tỏi. Hầu như suốt tuần anh đều phải tăng ca đến 9 giờ tối, những khi đó anh không ăn vào buổi chiều mà đợi đến tối về nấu cơm ăn luôn. Anh bảo phải làm như vậy mới có dư để nuôi em gái ăn học. Vậy mà tôi thấy anh rất yêu đời, hài hước và luôn làm mọi người xung quanh cười vì những câu nói dí dỏm của mình. Xóm trọ sôi động hơn hẳn ngày thường, ai cũng vui cười, được chụp ảnh họ rất thích.

Còn chị Hằng (35 tuổi) thì có vẻ rầu khi nhìn hai đứa con của mình, một bé gái 10 tuổi, gầy gò, đen nhẻm và một bé trai bụ bẫm 4 tuổi. Chị bảo bé gái đang đi học ở quê thì phải bỏ học vào đây để trông em, cho mẹ đi làm, cả hai bé hiện nay đều không được đi học, chị cũng xót con nhưng chị không còn cách nào khác, vì cuộc mưu sinh mà đành phải vậy.


Tôi cũng thích được đi học
Mỗi người một nỗi niềm, một hoàn cảnh nhưng ai ai cũng có một mong ước là được đi học “đến nơi đến chốn”. Tuyết (22 tuổi) bộc bạch “thấy bạn bè mình bây giờ đều học có ngành nghề, em cũng buồn, ngày xưa em nghỉ học má em đánh em nhưng em cũng nghỉ vì nhà em nghèo quá”. Hầu hết những công nhân ở đây đều chỉ học hết lớp 9, có một số cũng lên được cấp 3 nhưng cũng bỏ học vào đây kiếm tiền phụ giúp gia đình. Anh Vương tâm sự ngày xưa anh học hết lớp 12, muốn học tiếp vào ngành giao thông – vận tải nhưng vì gia đình khó khăn, anh lại thấy em gái học khá hơn nên nhường cho em gái đi học. Anh dự định khi có cơ hội sẽ đi học tiếp nhưng 3 năm nay vẫn chưa thực hiện được, những lo toan về cuộc sống đã cuốn đi những mơ ước, những dự định. Tôi vẫn còn nhìn thấy những cuốn sách và những cuốn vở mà anh học ngày xưa, anh vẫn mang theo vào Sài Gòn, vẫn giữ gìn và yêu quý chúng.

 

Một số cô gái khác thì quây lấy tôi, hỏi đủ chuyện, đi học đại học thế nào, làm nhà báo có thích không, sinh viên sướng hơn tụi em không…?. Cô gái có cái tên khá dễ thương Kiều Trinh nói “chị ơi, em thích học nghề uốn tóc, em đi làm để dành tiền học nghề, chị biết không, em thích tạo mẫu tóc giống như mấy diễn viên trên phim ấy”.

Tất cả những con người ấy, còn mang những nét hồn nhiên rất “thôn quê”, đều mong muốn đổi đời, muốn thoát khỏi cái nghèo. Giữa những khó khăn của cuộc sống vật chất, vẫn có những ước mơ bình dị, “rất đời”. Chỉ là ước mơ thôi, đến khi nào mới thành hiện thực?

 

Tiểu Tường – Tuyết Nga

 


Ý kiến bạn đọc