Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng chống dịch bệnh vụ đông xuân 2017-2018

08:58, 05/04/2018

Hiện nay đang bước vào giữa vụ đông xuân 2017-2018, các loại cây trồng đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển nhanh nhưng thời tiết diễn biến bất thường, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh tăng cao. 

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, vụ đông xuân 2017-2018 toàn tỉnh gieo trồng được gần 54.800 ha cây trồng các loại, đạt 122% kế hoạch. Trong đó lúa nước gần 40.100 ha (hơn 121% kế hoạch), ngô gần 3.160 ha (82%), khoai lang hơn 1.800 ha (138%), sắn hơn 1.640 ha (469%)… Hiện nay, một số diện tích gieo trồng sớm đã cho thu hoạch, còn lại đang trong giai đoạn sinh trưởng mạnh. Đặc biệt, phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng, quyết định đến năng suất, sản lượng lúa cuối vụ. Tuy nhiên, trên một số cánh đồng đã xuất hiện sâu bệnh gây hại như bọ trĩ (tỷ lệ hại 4-25%) trên 66 ha, sâu cuốn lá nhỏ (3-25%) 19 ha, nghẹt rễ (20-30%) 15 ha, tuyến trùng hại rễ (15-25%) 10 ha… rải đều khắp các huyện. Tương tự, trên các loại cây công nghiệp dài ngày cũng xuất hiện bệnh gây hại rải rác như rệp sáp gây hại ở 36 ha cà phê; rệp vảy mềm xanh 13 ha; mọt đục cành, quả 30 ha, gỉ sắt 77 ha tại các huyện huyện Krông Năng, Ea Kar, Krông Pắc, Ea H’leo; bệnh vàng lá chết chậm tấn công 83 ha hồ tiêu, vàng lá chết nhanh gần 41 ha, tuyến trùng 41 ha, thán thư 13 ha, tiêu điên (bệnh khảm lá vi rút) 27 ha…

Nông dân huyện M’Đrắk phòng trừ dịch bệnh trên cây  hồ tiêu.
Nông dân huyện M’Đrắk phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu.

Theo lý giải của ngành Nông nghiệp, nguyên nhân bùng phát dịch bệnh chủ yếu do nông dân chưa áp dụng đầy đủ và nghiêm ngặt việc chăm sóc cây trồng theo quy trình đề ra. Mặt khác trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều và kéo dài ở giai đoạn cuối năm trước và đầu năm sau, gây ngập úng cục bộ một số vùng, tăng khả năng phát sinh, phát triển của bệnh hại trên các loại cây trồng.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, ngay từ đầu vụ đông xuân 2017-2018 các địa phương đã chủ động các phương án sản xuất để phòng chống dịch bệnh hại trên cây trồng. Đơn cử như huyện Krông Ana đã hướng dẫn nông dân chủ động làm đất kỹ và sử dụng các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng sâu bệnh như Đài thơm 8, OM5451, OMO2517, VS 1... Bên cạnh đó, huyện còn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng xây dựng mô hình trình diễn các giống lúa mới GS55, BC15, TBR 225, TBR 45... để từng bước đưa các giống mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây lúa theo hướng ưu tiên sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu bệnh tố, nhằm gia tăng thu nhập cho bà con.

Cán bộ nông nghiệp xã Bình Hòa, huyện Krông Ana kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa đông xuân 2017-2018.
Cán bộ nông nghiệp xã Bình Hòa, huyện Krông Ana kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa đông xuân 2017-2018.

Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhận định, khi thời tiết biến đổi bất thường như hiện nay, biên độ dao động nhiệt giữa ngày và đêm cao, nắng nóng đồng thời xuất hiện mưa rào, đây là điều kiện lý tưởng để dịch bệnh bùng phát và gây hại trên các cây trồng. Điển hình như bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu, nấm phytophthora trên sầu riêng, cà phê, hay đạo ôn, rầy nâu trên lúa... Do đó, Chi cục khuyến cáo bà con không nên chủ quan mà phải thăm vườn thường xuyên để có chế độ điều tiết nước, chăm bón hợp lý, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc