Multimedia Đọc Báo in

Bạn đồng hành của nông dân Ea Ktur

09:19, 03/05/2017

Nhờ thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác khuyến nông, đồng thời gần gũi và nắm bắt nhu cầu của từng nông hộ nên lực lượng khuyến nông xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) đã khẳng định được vai trò và hiệu quả của công tác khuyến nông ở địa phương.

Đứng ngắm nghía vườn cà phê tái canh năm thứ 4 đẹp và đều “10 cây như 1” của mình, chị Lý Thị Lê ở thôn 12 phấn khởi cho hay, trước đây gia đình chị trồng cà phê mà không biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất rất thấp. Kể từ khi có cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách tái canh cà phê theo hướng bền vững, gia đình chị đã làm theo và kết quả mang lại rất bất ngờ. Nếu trước kia 1 ha cà phê của gia đình chị chỉ cho thu hoạch được 2-3 tấn, sau khi trừ chi phí đầu tư chỉ thu lợi được 50-70 triệu đồng thì giờ đây 1 ha cà phê tái canh vào năm thứ 4 cho thu hoạch gấp đôi.

Anh Y’Nguyên Byă đang chăm sóc vườn cà phê tái canh mới bước qua tuổi thứ 3 của mình.
Anh Y’Nguyên Byă đang chăm sóc vườn cà phê tái canh mới bước qua tuổi thứ 3 của mình.

Cùng chung niềm vui với chị Lê, ông Y Ren B’tô - một trong những nông dân điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở buôn Pu Huê cho biết, nhiều năm về trước gia đình ông thuộc diện khó khăn trong buôn. Nhiều đất sản xuất nhưng lại không biết cách sử dụng và khai thác hợp lý nên dù ông kết hợp cả chăn nuôi lẫn trồng trọt mà thu nhập vẫn ở mức thấp. Cho đến khi được các cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo và cách trồng xen canh tiêu, sầu riêng vào vườn cà phê, kinh tế gia đình ông đã có nhiều khởi sắc. Giờ đây với 9 con bò, đàn heo hàng chục con và 1 ha cà phê xen canh, mỗi năm ông Y Ren thu lãi khoảng 500 - 700 triệu đồng. Các khuyến nông viên còn chỉ dẫn ông trồng thêm cỏ và rau ở xung quanh vườn cà phê để phục vụ chăn nuôi, từ đó tiết giảm được chi phí mua thức ăn và công đi chăn.

Ông Y Nik Êban, khuyến nông viên ở buôn Pu Huê cho hay, đa số bà con trong buôn đều canh tác theo tập quán cũ, không biết cách bón phân, tưới nước đúng thời điểm và liều lượng nên không đáp ứng nhu cầu của cây trồng dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Tương tự như trong chăn nuôi cũng vậy, trước đây heo, gà của bà con thường hay bị dịch bệnh chết nhiều nhưng nhờ Hội Nông dân xã thường xuyên tổ chức những đợt tập huấn, sinh hoạt Câu lạc bộ Khuyến nông nên bà con được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trị bệnh, nhờ đó tình trạng trên đã được hạn chế. Thậm chí các cán bộ khuyến nông còn đến tận rẫy, vào tận chuồng để hỗ trợ người dân.

Mỗi năm các hội viên nông dân là khuyến nông viên đã giúp hàng chục hộ gia đình thoát nghèo bằng cách hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, hỗ trợ giống từ nguồn quỹ hội, san sẻ giống giữa các hội viên với nhau. Là một trong những hội viên mới được thoát nghèo, chị H’Nui Êban ở buôn Ea Ktur vui mừng chia sẻ, gia đình chị trước kia không có đất sản xuất, được nhà nước cấp cho 3 sào đất và Hội Nông dân xã hỗ trợ giống tiêu và giống cây muồng đen. Nhờ được các cán bộ khuyến nông nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc mà đến năm thứ 3, tiêu của chị đã bắt đầu cho thu hoạch, gia đình chị đã có cái ăn cái mặc, thoát được cái nghèo đeo bám suốt nhiều năm qua.

Ông Lê Năng Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ktur cho biết, xã có hơn 3.394 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất đỏ bazan nên trồng trọt được xem là thế mạnh của địa phương. Với đội ngũ 24 khuyến nông viên tại các thôn, buôn và 5 cán bộ khuyến nông xã, trong những năm qua “những cánh tay nối dài” trong công tác khuyến nông tại xã Ea Ktur đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình là công tác tái canh cà phê theo hướng bền vững, có định hướng; áp dụng các mô hình vào sản xuất nông nghiệp một cách có hiệu quả; vận động hội viên nông dân tương trợ đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc