Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Tar (huyện Cư M'gar): Người dân ồ ạt thanh lý cây cao su để chuyển sang cây trồng khác

09:09, 28/11/2016

Những năm gần đây, do giá thu mua mủ cao su liên tục giảm mạnh, tiền thu từ bán mủ không đủ trả chi phí nhân công và chăm sóc lại vườn cây nên nhiều chủ vườn cao su ở xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) đã thanh lý cao su để chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; trong đó, nhiều chủ vườn đã thanh lý toàn bộ diện tích. Tình trạng này đang có nguy cơ phá vỡ quy hoạch cây cao su ở địa phương.

Gia đình ông Lê Ngỡ (thôn 1) là một trong những hộ thanh lý diện tích cao su nhiều nhất ở xã Ea Tar, với 25 ha được trồng liên kết từ năm 1990. Hiện nay, toàn bộ diện tích cao su đã được ông Ngỡ thanh lý xong, một phần diện tích đã được ông chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu và hoa màu. Lý do phải thanh lý cây cao su được ông Ngỡ đưa ra là do cao su đã già cỗi, cho năng suất kém, cộng với giá mủ những năm gần đầy liên tục xuống thấp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế của gia đình, thu chỉ vừa đủ nộp sản và trả lương cho công nhân mà không có tích lũy. Ông Ngỡ cho biết: “Vườn cao su của gia đình đến nay đã bước sang năm thứ 26, là chu kỳ cuối rồi nên năng suất kém. Với diện tích 25 ha, nếu trồng lại cao su thì thời gian trồng kéo dài và vốn đầu tư rất lớn. Trên diện tích cao su thanh lý, tôi mới chỉ trồng được khoảng 4 ha các loại cây trồng khác”.

Một vườn cao su tại xã Ea Tar đã bị cắt ngọn, tỉa cành để chuyển sang trồng tiêu.
Một vườn cao su tại xã Ea Tar đã bị cắt ngọn, tỉa cành để chuyển sang trồng tiêu.

Sau 3 năm “treo vườn” không khai thác do thu không đủ chi cũng đồng nghĩa với việc bỏ tiền túi để nộp sản cho Công ty Cao su Đắk Lắk, đầu năm nay ông Trần Xuân Cường cũng quyết định thanh lý hơn 3,2 ha cao su liên kết của gia đình ở thôn 3 để chuyển sang cây trồng khác. Ông Cường lý giải: “Với giá cả như hiện nay, tiền bán mủ không đủ trả lương cho công nhân. Đề nghị cho cạo chia đôi mà công nhân cũng không chịu, vì vậy suốt 3 năm qua, tôi không cạo mủ, chấp nhận lấy tiền nhà để nộp sản cho công ty bởi nếu cạo thì còn lỗ hơn. Hiện nay, gia đình tôi đang trồng sầu riêng, bơ, cà phê và hồ tiêu trên diện tích cao su đã thanh lý và lợi nhuận từ những loại cây trồng này cũng tạm ổn”.

Hiện xã Ea Tar chỉ còn 533 ha cao su, các diện tích này đều đang trong giai đoạn kinh doanh, nhiều vườn cây đã già cỗi và cho năng suất thấp… Ông Trần Xuân Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar cho biết: “Cây cao su được người dân thanh lý trên địa bàn xã không phải là diện tích trồng mới mà chủ yếu là những diện tích đã hết hợp đồng liên kết với Công ty Cao su Đắk Lắk, được trồng từ những năm 1990 – 1995 nên cây đã già cỗi, cho năng suất không cao, cộng với giá mủ những năm gần đây liên tục xuống thấp, nhiều vườn thu không đủ chi nên bà con làm đơn xin được thanh lý. Những diện tích được thanh lý hiện chưa có hộ nào trồng lại cây cao su mà chủ yếu là trồng cà phê, tiêu và một số loại cây hoa màu…”.

Hiện nay, giá thu mua mủ cao su trên thị trường đã bắt đầu tăng lên song vẫn đang ở mức thấp và  hiệu quả kinh tế không bằng cà phê, hồ tiêu… Vì vậy, tình trạng người dân tiếp tục thanh lý cao su để chuyển sang cây trồng khác vẫn còn tiếp tục. 

Theo thống kê của UBND xã Ea Tar, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã có 22 hộ đã thanh lý cây cao su với diện tích hơn 163 ha; trong đó, có 19 hộ đã thanh lý toàn bộ diện tích và 3 hộ thanh lý trên 40% diện tích. Đây cũng là địa phương có diện tích cây cao su được thanh lý nhiều nhất ở huyện Cư M’gar, chiếm hơn 51,6% tổng diện tích cao su thanh lý toàn huyện năm nay (317,5 ha).

Trung Dũng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.