Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar - Điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới

09:37, 16/11/2016

Phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, Cư M’gar đã trở thành một trong những huyện dẫn đầu về thành tích xây dựng nông thôn mới.

Toàn huyện đạt 208/285 tiêu chí

Theo báo cáo của UBND huyện Cư M’gar về tình hình thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện đã đạt được 208/285 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 72,63%; đã có 2 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí là Quảng Tiến và Ea Kpam; 5 xã đạt 15-18 tiêu chí; 7 xã đạt 10-14 tiêu chí. So với tỷ lệ của toàn tỉnh (58,8%), huyện Cư M’gar vượt gần 14%. Trong khi toàn tỉnh còn 58 xã đạt dưới 9 tiêu chí thì ở Cư M’gar, xã còn gặp nhiều khó khăn như Ea M’droh đến nay cũng đã đạt 9 tiêu chí.

Để đạt được kết quả này, như ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar chia sẻ là cả quá trình nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền, đoàn thể, người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Bắt đầu từ công tác tuyên truyền, vận động, huyện đã yêu cầu các tổ chức đoàn thể bám sát mục tiêu, kế hoạch từ đó tuyên truyền sâu rộng, lồng ghép với nhiều hình thức huy động mọi tầng lớp, tạo sự đồng thuận ngay từ khi triển khai thực hiện. Tiếp đến là thực hiện đồng bộ các biện pháp, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực đang được huyện Cư M'gar quan tâm chú trọng.  Trong ảnh: Đoàn công tác của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khảo sát, tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp Cư M'gar.  Ảnh: L. Hương
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực đang được huyện Cư M'gar quan tâm chú trọng. Trong ảnh: Đoàn công tác của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khảo sát, tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp Cư M'gar. 

Trong 5 năm (2011-2015) tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện khoảng 132 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 33,555 tỷ đồng, chiếm 25,41%; ngân sách tỉnh: 7,75 tỷ đồng (5,87%); ngân sách huyện 10,483 tỷ đồng (7,94%); vốn doanh nghiệp, hợp tác xã  35,71 tỷ đồng (27,05%); vốn huy động trong dân 43,436 tỷ đồng (33%). Ngoài ra, người dân còn đóng góp 32.100 ngày công lao động, hiến 19.350 m2 đất. Đã triển khai xây dựng làm mới, sửa chữa nâng cấp trên 86 km đường giao thông. Nhiều doanh nghiệp, HTX có đóng góp về vật chất vào xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, sân thể thao, trường học như:  HTX nông nghiệp – dịch vụ Công bằng Ea Kiết đầu tư 2,1 tỷ đồng làm mới 3 km đường bê tông tại xã Ea Kiết (HTX hỗ trợ 70% nhân dân đóng góp 30%); Công ty TNHH MTV cà phê 15 đầu tư 23,1 tỷ đồng thảm nhựa làm đường nhựa 12,83 km cho các thôn Đăk Hà Đông, Đăk Hà Tây, đội 1 xã Cư Đliê Mnông...

Riêng trong năm 2016, từ đầu năm đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã xây dựng, sửa chữa nâng cấp trên 42 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp, nạo vét trên 30 km hệ thống kênh tưới... Tổng nguồn vốn Nhà nước đầu tư là 17,9 tỷ đồng, trong đó, vốn Trái phiếu Chính phủ 1,8 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 3,94 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 3,8 tỷ đồng, ngân sách huyện 8,387 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoài nguốn vốn đầu tư từ ngân sách, người dân đã tự nguyện đóng góp trên 4,1 tỷ đồng, 3.680 ngày công lao động và hiến 13.300 m2 đất để làm đường.

Lấy phát triển sản xuất làm đòn bẩy

Ngoài huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, công tác phát triển sản xuất được các cấp ngành huyện Cư M’gar chú trọng đầu tư. Đây cũng là một trong những mục tiêu chính của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, đào tạo nghề nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất.

Mô hình trồng  sầu riêng ghép  trồng xen trong vườn  cà phê  cho  hiệu quả kinh tế cao  tại xã Ea Kpam.
Mô hình trồng sầu riêng ghép trồng xen trong vườn cà phê cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Ea Kpam.

Xác định cây cà phê là cây chủ lực, huyện đã tập trung chỉ đạo, đầu tư để phát triển theo hướng bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng cà phê, sản xuất cà phê có chứng nhận. Tính đến nay toàn huyện có trên 15.380 ha và 9.400 hộ nông dân tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận. Thực hiện tốt chương trình tái canh cà phê, từ năm 2012-2015 đã hỗ trợ trên 900.000 cây cà phê giống và 565 kg hạt giống để người dân trồng tái canh cà phê. Bên cạnh đó, phối hợp với Công ty Haroximex, Trung tâm phát triển cộng đồng (CVC) xây dựng mô hình phát triển hồ tiêu bền vững chứng nhận Rainfores theo tiêu chuẩn hệ thống nông nghiệp bền vững (SAN) cho khoảng 150 ha tiêu.

Nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất và tăng thêm thu nhập người sản xuất, chăn nuôi, địa phương đã xây dựng và nhân rộng nhiều các mô hình kinh tế hiệu quả: trồng xen cây ăn trái như sầu riêng, cây bơ trong vườn cà phê; chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp; nuôi cá chất lượng cao (cá lăng nha, chẽm, chép lai V1...); chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hình thức hình thành các trang trại tập trung... Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 16 hợp tác xã, 48 tổ hợp tác; 45 trang trại, trong đó 18 trang trại chăn nuôi, 27 trang trại trồng trọt... Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 28 triệu đồng/người /năm (2015); năm 2016 phấn đấu tăng lên 31 triệu đồng/người/năm.    

Mục tiêu đến cuối năm 2016, huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí (Ea Tul, Cư Đliê Mnông, Cuôr Đăng); 4 xã đạt 15-18 tiêu chí (Quảng Hiệp, Cư Suê, Ea Mnang, Ea Tar); 6 xã đạt 10-14 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người 31 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8%...  

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.