Multimedia Đọc Báo in

Thấy gì qua những phiên chợ hàng Việt về vùng sâu?

09:15, 23/10/2016

4 phiên chợ về 4 vùng nông thôn trong tỉnh năm nay (gồm: Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông và M’Đrắk) được tổ chức trong tháng 9 và tháng 10 – cao điểm của mùa mưa. Dù thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng có thể nói các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn đã gặt hái được nhiều thành công.

Mỗi phiên chợ được tổ chức dưới hình thức giống như một hội chợ thương mại, nhưng khác biệt ở chỗ 100% doanh nghiệp (DN) tham gia đều là DN Việt. Hàng được bày bán phải đáp ứng các tiêu chí do Ban tổ chức đưa ra về nguồn gốc, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý, với các mặt hàng thiết yếu, giống cây trồng, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng… phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân địa phương nên thu hút khá đông khách hàng đến mua sắm.

 4 địa phương nói trên đều được biết đến là những “vùng đất khó” của tỉnh, đời sống còn nhiều khó khăn nên người dân ở đây vẫn ít có cơ hội tiếp xúc với hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Chị Võ Thanh Hà người tiêu dùng (NTD) huyện Krông Bông cho biết, muốn mua hàng tốt, nhất là các thiết bị máy móc, đồ gia dụng thiết yếu phải vượt hơn 40 km đến TP. Buôn Ma Thuột thì mới có. Do đó, phiên chợ tổ chức tại địa phương là cơ hội để người dân được tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất, phân phối để được tư vấn, và mua những thứ mình cần, chất lượng bảo đảm.

Người tiêu dùng tham quan, mua sắm hàng hóa tại phiên chợ hàng Việt về huyện Ea Súp.
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm hàng hóa tại phiên chợ hàng Việt về huyện Ea Súp.

Mỗi phiên chợ về nông thôn thường chỉ 5 ngày, bình quân có trên 35 DN tham gia với 80 gian hàng. Tại các huyện biên giới Buôn Đôn, Ea Súp đến huyện vùng sâu, vùng xa như Krông Bông, M’Đrắk, ngay từ tối khai mạc đến khi kết thúc, đã có hàng ngàn người dân trên địa bàn đến tham quan, mua sắm. Như tại thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) ngay từ tối khai mạc phiên chợ, trời bất ngờ đổ mưa, nhiều DN tham gia không khỏi lo ngại về sức mua, thậm chí sợ không có người đến tham quan mua sắm, thế nhưng không ngờ là người dân đến với phiên chợ khá đông. Những ngày tiếp theo đó, trung bình mỗi ngày phiên chợ thu hút gần 2.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/ngày. Một DN bán cây giống đến từ tỉnh Bến Tre tỏ ra ngạc nhiên, không ngờ sức mua ở  phiên chợ lại mạnh đến vậy. Chỉ hai ngày đầu, DN này đã bán hơn 500 cây giống các loại. 

Không những là địa chỉ tin cậy để mua sắm mà mỗi phiên chợ còn góp phần phá bỏ thế độc quyền về một số loại sản phẩm và về giá (thường khá cao) mà lâu nay người dân vẫn quen dùng. Chị Nguyễn Thị Lan Phương (NTD huyện Ea Súp) cho hay, lâu nay chị quen sử dụng nước mắm công nghiệp để làm nước chấm cho cả nhà, nay nhờ phiên chợ, chị đã biết thêm nhiều loại nước mắm Việt khác (được chế xuất từ cá cơm theo lối truyền thống, không sử dụng hóa chất công nghiệp) chất lượng bảo đảm, giá lại phải chăng.

Tại mỗi phiên chợ, các DN cũng tư  vấn cho người dân các thông tin cần thiết về cách phân biệt hàng thật - giả, cách sử dụng sản phẩm đúng kỹ thuật và khuyến cáo của nhà sản xuất, đồng thời tăng cường tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến đông đảo khách hàng.

Đáng  ghi nhận là trong những ngày diễn ra phiên chợ, Đội quản lý thị trường các huyện luôn theo dõi kiểm tra chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc hàng hóa của các DN tham gia bày bán tại phiên chợ, kiên quyết loại bỏ tình trạng hàng giả, nhái, hết hạn sử dụng lọt vào phiên chợ.

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng mừng, song mỗi phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thường được tổ chức trong thời gian khá ngắn khiến nhiều NTD vẫn chưa thể nhận diện hết các thương hiệu Việt hoặc chưa kịp mua sắm cho mình các món hàng ưa thích. Nên chăng sau mỗi phiên chợ, DN cần xây dựng cho mình các điểm, cơ sở bán hàng cố định, để người dân sở tại có điều kiện hơn trong việc mua sắm hàng Việt.          

4 phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa năm 2016 tại 4 huyện trong tỉnh đã thu hút được nhiều DN tham gia với 350 gian hàng giới thiệu, bày bán các sản phẩm Việt chất lượng, thu hút 48.560 lượt khách đến tham quan,  mua sắm, doanh số bán ra đạt 6.440 triệu đồng. Qua đó, có 29 hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các DN và nhà phân phối, bán lẻ của địa phương.


Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.