Multimedia Đọc Báo in

Cà phê Cư M'gar với mục tiêu phát triển bền vững

14:10, 28/10/2016

Cà phê được xem là cây trồng chủ lực của huyện Cư M’gar với diện tích ổn định ở mức 36.000 ha, năng suất đạt khoảng 2,4 tấn/ha. Những năm gần đây, sản xuất cà phê theo hướng bền vững đã được người dân địa phương quan tâm và ngày càng thu hút nhiều nông hộ tham gia nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Đến nay, toàn huyện có gần 6.500 nông hộ tham gia chương trình sản xuất cà phê có chỉ dẫn với diện tích gần 16.000 ha, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 80.000 tấn cà phê theo bộ nguyên tắc 4C, UTZ, RFA và cà phê Công bằng (Fairtrade). Ông Hứa Chấn Trí, Phó Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, người trồng cà phê ở đây đã từng bước kết nối với nhiều doanh nghiệp (DN) tìm đến hợp tác, đầu tư sản xuất cà phê có chứng chỉ để phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu. Hiện đã có 4 công ty: Dak Man, ARMAJARO, Xuất nhập khẩu 2-9 và Trung Nguyên đến đây xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cà phê sạch để cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới.  Vùng nguyên liệu gần 16.000 ha này được đánh giá là một trong 4 vùng có chất lượng nhất Tây Nguyên (cùng với Lâm Hà-Kon Tum, Đắk Min - Đắk Nông và Di Linh - Lâm Đồng) được các nhà rang xay cà phê trên thế giới (Mỹ, Đức, Ôxtraylia) đặt hàng từ các DN xuất khẩu cà phê có chỉ dẫn địa lý nói trên.

Dây chuyền chế biến cà phê ướt tại HTX dịch vụ Nông nghiệp Công Bằng  (xã Ea Kiết, Cư M'gar).
Dây chuyền chế biến cà phê ướt tại HTX dịch vụ Nông nghiệp Công Bằng (xã Ea Kiết, Cư M'gar).

Theo ông Trí, mối liên kết giữa người trồng cà phê và DN ở Cư M’gar đã thật sự làm thay đổi chất lượng, giá trị ngành hàng cà phê ở địa phương. Số nông hộ tham gia sản xuất cà phê có chỉ dẫn được các công ty liên kết đầu tư, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm bón, thu hoạch và chế biến trên cơ sở từng nhóm hộ (từ 10-15 hộ) có cùng điều kiện canh tác tương đồng như chất lượng vườn cây, nguồn nước tưới, sân bãi và kho tàng bảo quản sau thu hoạch. Vì thế, nói như lão nông Nguyễn Văn Thắng (thôn Thống Nhất, xã Quảng Tiến) - bà con trong từng nhóm hộ sản xuất cà phê theo hướng liên kết, có chỉ dẫn ở đây rất yên tâm trong việc tổ chức sản xuất. Ví như trong các khâu bảo vệ, thu hái, chế biến… nhóm hộ nào cũng tự đứng ra tương trợ, giúp đỡ nhau giải quyết công việc từ đầu đến cuối.

Có thể nói, cách thức tổ chức sản xuất ấy đã khắc phục các yếu tố bấp bênh, thụ động như trước đây. Thay vào đó, người làm cà phê từng bước tạo dựng được đời sống sản xuất cà phê ngày càng an toàn và bền vững. Và theo như ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Quảng Phú: Người làm cà phê không còn bị các thương lái chi phối, thao túng dẫn đến tình trạng “tranh mua, tranh bán” vốn ẩn chứa nhiều rủi ro như trước. Giờ đây, chất lượng cà phê đi kèm với giá cả được các “bà đỡ” là các DN liên kết thẩm định và công bố lịch trình thu mua minh bạch, rõ ràng theo chiều hướng có lợi nhất cho người trực tiếp sản xuất trong bất kỳ thời điểm nào. Hơn thế, sau khi thu mua để xuất khẩu, các DN đã trích từ 3-5% lợi nhuận nhằm tái đầu tư cho các nhóm hộ trong vùng nguyên liệu để xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng, từ giao thông nội vùng, đường điện, kho bãi cho đến cả dây chuyền công nghệ chế biến ướt quy mô vừa và nhỏ nhằm mục đích không ngừng nâng cao chất lượng cho vùng cà phê có chỉ dẫn này.

Tự chủ trong sản xuất, kinh doanh

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện Cư M’gar, bắt đầu từ cơ sở, điều kiện thuận lợi được tạo ra nhờ mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững ấy, nhiều nhóm nông hộ một khi đã làm chủ được quy trình (tổ chức sản xuất, tìm kiếm và chọn lựa đối tác xuất bán cà phê) đã mạnh dạn mở rộng quy mô liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới để cạnh tranh bình đẳng với các công ty cà phê đứng chân lâu năm trên địa bàn như Ea Pốk, Đrao (trực thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam). Điển hình là 2 HTX cà phê đều có tên là Công Bằng (xã Ea Kiết và Cư Dlêi M’nông) đã hình thành và phát triển trên cơ sở nhóm hộ sản xuất cà phê bền vững, có chỉ dẫn trước đó. Đến nay, 2 HTX này đã thu hút khoảng 204 thành viên tham gia với diện tích cà phê đóng góp vào hơn 416 ha.

Nhiều nhóm hộ sản xuất cà phê bền vững ở Cư M'gar đã đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng cà phê.
Nhiều nhóm hộ sản xuất cà phê bền vững ở Cư M'gar đã đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng cà phê.
 
Con đường đi của cà phê ở đây là phải tự chủ hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Dần tiến tới việc ký kết xuất khẩu trực tiếp với các nhà rang xay trong nước và quốc tế, không qua trung gian nhằm góp phần gia tăng giá trị mặt hàng được coi là chủ lực của địa phương. Nói cách khác là người làm cà phê phải đứng trên đôi chân của mình, để dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào các yếu tố tác động từ bên ngoài
 
 Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar      

Bí thư Đảng ủy xã Ea Kiết Nguyễn Tuấn Anh đánh giá: Ưu điểm của mô hình HTX ở đây là ngoài việc cùng nhau phát huy nội lực tại chỗ, xây dựng thương hiệu ngành hàng cà phê có chỉ dẫn để thu hút, hấp dẫn đối tác tìm đến mua bán với giá cả cao hơn nơi khác, người nông dân còn dần tự chủ hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn như HTX Công Bằng, xã Ea Kiết đã bắt đầu xúc tiến việc ký kết xuất khẩu trực tiếp sản phẩm mình làm ra cho các nhà rang xay trong nước và thế giới, không qua khâu trung gian nhằm góp phần gia tăng giá trị mặt hàng được coi là chủ lực của địa phương.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, ngoài sự nỗ lực của những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh cà phê dưới danh nghĩa nhóm hộ liên kết, tổ hợp tác, hay HTX… còn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhà khoa học và DN để giúp người nông dân tự tin hơn với các phương án, mô hình sản xuất cà phê bền vững của mình trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt hiện nay.    

 

 Phương Đình


Ý kiến bạn đọc