Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả tín dụng chính sách thông qua các hội, đoàn thể tại huyện Krông Bông

10:44, 31/05/2016

Trong những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông (NHCSXH) đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn đưa vốn kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Những hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Cơ hội cho người nghèo

Trong căn nhà khang trang tại khối 7, thị trấn Krông Kmar, bà Nguyễn Thị Thu Trang tự hào lần giở những bản vẽ kỹ thuật mà đứa cón trai đầu của bà vẽ khi đang hoàn thành khóa luận năm cuối Trường Cao đẳng Xây dựng Đà Nẵng. Tự hào về con bao nhiêu, bà Trang càng biết ơn những người đã giúp bà tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách tại địa phương. Trong tâm trí bà vẫn còn vẹn nguyên những khó khăn mà gia đình bà phải đối mặt, bởi cách đây không lâu, cuộc sống gia đình bà phụ thuộc hoàn toàn vào vài sào ruộng nước cùng thu nhập bấp bênh từ công việc thợ hồ của người chồng. Bà Trang chia sẻ, cuộc sống vất vả, lại không có vốn nên dù cố gắng mấy cũng không thể thoát nghèo, 4 đứa con đứng trước nguy cơ thất học để theo bố phụ hồ. Nhưng may mắn đã đến với gia đình bà khi vào năm 2013, thông qua Hội Phụ nữ, gia đình bà được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư vào chăn nuôi heo. Với bản tính cần cù của cả hai vợ chồng, mỗi năm gia đình đã xuất chuồng được 3 lứa heo và cũng chỉ sau 3 năm gia đình bà đã thoát nghèo thành công, có cuộc sống ổn định, các con được học hành đầy đủ. Mới đây, sau khi trả hết vốn vay, gia đình bà Trang được NHCSXH tiếp tục cho vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo để mua 1 cặp bò giống lai.

Trang trại khép kín của hộ anh Nguyễn Quang Sơn.
Trang trại khép kín của hộ anh Nguyễn Quang Sơn.

Cũng thuộc diện "tay không", nhưng chỉ sau hơn 3 năm hộ anh Nguyễn Quang Sơn (khối 6, thị trấn Krông Kmar) đã có cơ hội làm giàu. Anh Sơn cho biết, sau khi lập gia đình, bố mẹ hai bên chia cho một mảnh vườn, cùng gần 700m2 mặt nước. Có công cụ trong tay mà không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên dù đã "gõ cửa" nhiều ngân hàng cũng không nơi nào cho anh vay vốn. Khó khăn càng chồng chất khi lần lượt 3 đứa con anh ra đời. Đến năm 2013, nhờ có Hội Cựu chiến binh bảo lãnh, gia đình anh được vay vốn ủy thác 10 triệu đồng. Từ số tiền này, anh mua giống cá trắm cỏ thả vào diện tích hồ nước có sẵn. Lấy ngắn nuôi dài, sau một thời gian anh phát triển được thêm đàn heo giống và 1 con bò. Đến nay, thu nhập từ trang trại khép kín này đã giúp vợ chồng anh Sơn thoát nghèo bền vững và tiến tới làm giàu. Anh Sơn cho hay, ngày ấy nếu NHCSXH không cho vay thì cũng chẳng biết cuộc sống gia đình anh sẽ đi đến đâu, anh như "chết đuối vớ được cọc" vậy.

Cầu nối hiệu quả giữa tín dụng chính sách và người vay

Ở huyện Krông Bông, các tổ chức hội, đoàn thể đã tích cực nhận ủy thác cho vay đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Trên cơ sở các nguồn vốn của NHCSXH, các tổ chức hội đã tiến hành điều tra, rà soát, giúp các hộ làm thủ tục vay vốn và hướng dẫn sử dụng vốn vay. Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Sơn Lê Thị Bích Thận cho biết, hoạt động về tín dụng chính sách, kết hợp, lồng ghép với hoạt động chuyển giao kỹ thuật, khuyến công, khuyến nông… đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn huyện đã có 282 tổ tiết kiệm, vay vốn ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với trên 11 nghìn khách hàng và đã có trên 242 tỷ đồng đến với người nghèo, tập trung vào 8 chương trình, trong đó trọng tâm là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo... Bên cạnh phát triển vốn vay, công tác thu hồi nợ cũng được các tổ chức đoàn thể thực hiện rất tốt. Đến nay, nợ quá hạn của toàn huyện chỉ còn 0,24%. Phó Giám đốc NHCSXH Bùi Quang Tuyến chia sẻ, đây là một giới hạn mà nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các tổ chức hội đoàn thể thì ngân hàng khó có thể thực hiện được.

Việc ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, dưới sự quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương giúp cho vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, chất lượng và hiệu quả tín dụng không ngừng được cải thiện, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao chất lượng các phong trào, gắn bó mật thiết hơn với đời sống của nhân dân…         

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.