Multimedia Đọc Báo in

Cải cách thủ tục hành chính thuế

Ứng dụng phần mềm quản lý thuế tập trung vẫn còn nhiều bất cập

09:01, 12/01/2016

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua ngành Thuế đã triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS).  Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích mang lại, việc áp dụng TMS trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

TMS là hệ thống quản lý thuế tích hợp cho phép quản lý, lưu trữ tập trung thông tin quản lý của tất cả các sắc thuế trên phạm vi toàn quốc. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung thông tin đầy đủ, chính xác về người nộp thuế và tình hình thu, nộp thuế sẽ tạo điều kiện tốt nhất để ngành Thuế chuyển sang mô hình quản lý theo phân tích mức độ rủi ro. Cơ sở dữ liệu tập trung này gồm phần lõi chứa các thông tin cơ bản về người nộp thuế và các công cụ phân tích dữ liệu; phần hệ thống thu thập dữ liệu từ các hệ thống thông tin bên ngoài. Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn cho biết, ngành Thuế tỉnh đã chính thức áp dụng ứng dụng TMS vào công tác quản lý thuế từ tháng 9-2015. Đây là ứng dụng hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, góp phần sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu phục vụ tốt việc quản lý thuế như kê khai và kế toán thuế, quản lý nợ thuế,  thanh tra, kiểm tra thuế… Đặc biệt, ứng dụng TMS có tác dụng rất lớn trong cải cách hành chính thuế  vì đây là hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung nên hệ thống có khả năng cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế một cách nhanh chóng, chính xác. Chẳng hạn, về việc đăng ký thuế, nếu trước đây mất khá nhiều thời gian do phải tổng hợp dữ liệu từ chi cục lên Cục Thuế và Tổng Cục Thuế để đối chiếu toàn quốc, nhưng với hệ thống mới, người nộp thuế đến nộp hồ sơ đăng ký nếu thiếu một chi tiết nào đó thì cán bộ thuế chỉ cần nhập vào hệ thống và có kết quả ngay sau đó. Do vậy, người nộp thuế nhanh chóng được giải quyết các thủ tục hành chính về thuế của mình mà không mất nhiều thời gian chờ đợi.

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật trên, sau một thời gian áp dụng vào thực tế cho thấy TMS vẫn còn một số bất cập nhất định. Theo ông Bùi Văn Chuẩn, bất cập lớn nhất hiện nay là việc phát sinh nợ ảo khi hệ thống tự động ghi nhận. Ông Chuẩn phân tích, các trường hợp người nộp thuế đã chết, bỏ trốn hoặc không còn cư trú nơi đăng ký nộp thuế nhưng vẫn còn nợ thuế thì TMS vẫn tính nợ thuế và phát sinh phạt nộp chậm đối với những đối tượng này. Do vậy dù thực tế là số nợ thuế và phạt nộp chậm này không thể thu được, nhưng hệ thống vẫn báo và cộng gộp số nợ thuế này vào tổng nợ thuế của các đơn vị, tạo áp lực rất lớn cho ngành trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm nợ. Ngoài ra, còn một số lỗi phổ biến được ghi nhận như việc người nộp thuế trong kỳ phát sinh số thuế GTGT còn được khấu trừ, không phát sinh số thuế phải nộp nhưng ứng dụng TMS vẫn hạch toán thành nợ phát sinh phải nộp, hoặc người nộp thuế đã tạm nộp thuế trong năm nhưng khi quyết toán năm, ứng dụng TMS không hạch toán bù trừ. Và đáng ngại nhất là trường hợp người nộp thuế đã thực hiện nghĩa vụ của mình và được hạch toán, nhưng ứng dụng TMS chưa thực hiện bù trừ kịp thời khiến hệ thống ghi nhận người nộp thuế  vẫn nợ tiền thuế…

Để khắc phục những hạn chế trên, Cục Thuế tỉnh đã có văn bản kiến nghị đến Tổng Cục Thuế và Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung các chức năng mới nhằm hoàn thiện hơn hệ thống TMS. Ông Bùi Văn Chuẩn cho rằng, nếu những hạn chế trên được khắc phục sẽ mang lại hiệu quả rất lớn đối với cả cho ngành Thuế và người nộp thuế để đạt được mục đích cuối cùng là hỗ trợ người nộp thuế nâng cao tính tuân thủ tự nguyện, cũng như giảm thiểu chi phí tuân thủ.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc