Multimedia Đọc Báo in

Thách thức trong thực hiện giảm nghèo bền vững (Kỳ II)

09:22, 07/12/2015

Kỳ II: Quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững

Để giảm nghèo thực sự bền vững, ngoài các chương trình, dự án, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, yếu tố quan trọng hơn cả là phải tạo được “sinh kế” cho hộ nghèo vươn lên.

Tạo “sinh kế”, “chiếc cần câu” cho hộ nghèo

Từ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, những năm qua, Sở LĐTBXH đã triển khai nhiều dự án, mô hình giảm nghèo bền vững, đem lại kết quả khả quan. Đơn cử như dự án hỗ trợ 40 hộ nghèo của 3 thôn Hiệp Đoàn, Hiệp Hòa, Hiệp Thành (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) trồng 20 ha cây bông vải với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Dự án này đã huy động được sự chung tay, vào cuộc của 3 đơn vị chủ quản gồm ngành LĐTBXH, UBND xã và Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên cùng tham gia chọn lọc đối tượng hưởng lợi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, thu mua sản phẩm của các hộ với mức giá có lợi nhất, đã giúp cho 14 hộ trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo. Tiếp nối hiệu quả của dự án, năm 2013, UBND huyện Cư M’gar quyết định trích ngân sách 75 triệu đồng hỗ trợ 16 hộ nghèo của 3 thôn nói trên trồng cây bông vải với tổng diện tích 8 ha. Các hộ tham gia dự án được  hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn trồng xen cây bắp, đậu tăng hiệu quả kinh tế. Qua thực tế cho thấy, trồng cây bông vải đem lại lợi nhuận kinh tế cao gấp 2 lần các loại cây nông sản khác đã góp phần đáng kể cải thiện đời sống người dân và giảm 2,78% hộ nghèo của xã, vượt 0,28% so với chỉ tiêu giao.

Học tập  kinh nghiệm từ mô hình trồng ngô lai ở Buôn Đôn.
Học tập kinh nghiệm từ mô hình trồng ngô lai ở Buôn Đôn.

Tại xã Ea Yiêng – xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Krông Pắc, ngoài nguồn vốn tín dụng ưu đãi với tổng dự nợ đến năm 2015 hơn 6,3 tỷ đồng, hỗ trợ hộ nghèo học nghề, cây, con giống, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, y tế, cứu đói giáp hạt, trợ giúp pháp lý… năm 2013, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai mô hình trồng mít siêu sớm Thái Lan và nuôi gà thả vườn cho 70 hộ dân ở các buôn Kon Tây, Cư Đrang, Kon Wang, Kon H’ring và Ea Mao với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Những hộ nghèo tham gia mô hình được hỗ trợ  cây, con giống, phân vi sinh bón lót, thức ăn, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng và vật nuôi đều phát triển tốt. Anh Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, nhờ các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai trên địa bàn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 80% năm 2011 xuống còn 60,91% cuối năm 2014, đời sống của người dân ổn định hơn trước, nhiều hộ đã có thêm cơ hội thoát nghèo từ các nguồn lực được hỗ trợ.

Bên cạnh đơn vị chủ quản là ngành LĐTBXH, các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận, đoàn thể cũng tích cực triển khai các mô hình giúp người dân giảm nghèo. Mặt trận các cấp với cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, các tổ chức Hội LHPN, Nông dân, Cựu chiến binh… huy động xây dựng tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, hũ gạo tình thương, giúp nhau vốn, ngày công, cây, con giống, hỗ trợ xây dựng nhà ở… tạo động lực giúp người nghèo vươn.

Để giảm nghèo thực sự bền vững

Bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh cho biết, trước thực trạng công tác giảm nghèo không đạt mục tiêu đề ra và còn thiếu bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn còn cao, UBND đã chỉ đạo ngành LĐTBXH và các địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đến kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả; tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, công khai, công bằng, có sự tham gia của người dân. Bên cạnh đó, ngoài nguồn lực đã có trong chương trình mục tiêu giảm nghèo, cần tổ chức tốt việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Triển khai đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo theo nghị quyết, kế hoạch của Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích tinh thần tự vươn lên của người nghèo; tập trung ưu tiên nguồn lực tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất, dạy nghề, hỗ trợ kỹ thuật, các mô hình giảm nghèo; tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở để làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 vào đầu tháng 11 vừa qua, ông Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: để công tác giảm nghèo của tỉnh Đắk Lắk, nhất là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự bền vững thì ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án cần quan tâm đến vấn đề tạo “sinh kế” cho hộ nghèo. Bởi, nếu chỉ hỗ trợ trực tiếp theo kiểu cho “con cá” thì không thể bền vững bằng việc tạo cho họ “chiếc cần câu” để tự vươn lên thoát nghèo và tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó, nên có cơ chế thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư nguồn lực vào các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vấn đề vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương,  mỗi người dân cũng cần phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá. Có như vậy, công tác giảm nghèo mới thực sự hiệu quả, bền vững.

Nguyễn Xuân

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.