Multimedia Đọc Báo in

Năm 2015, cơ hội rộng mở

14:25, 24/02/2015

Điểm lại thành quả phát triển năm 2014 so với 3 năm trước đó, có thể thấy nền kinh tế của tỉnh nói riêng, của cả nước nói chung đang có chuyển biến tích cực. Cùng với nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước, những thành quả đạt được trong năm 2014 sẽ là nền tảng duy trì sự ổn định và tăng trưởng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) phát triển.

Cơ hội từ cải cách thể chế

Đi đầu, đột phá trong giảm chi phí tuân thủ, cải thiện đáng kể mức độ thuận lợi và dễ dàng đối với kinh doanh là Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 của Chính phủ về một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Nghị quyết đã đề ra gần 50 giải pháp, trong đó trọng tâm trong năm 2014-2015 là tập trung cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh Quốc gia theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, để đến hết năm 2015, năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam tối thiểu bằng trung bình ASEAN 6. Với sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, kết quả thực hiện cho đến nay là rất đáng kể.

Kế đó, ngày 26-11-2014, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Việt Nam ban hành 2 luật sửa đổi cùng lúc 6 luật thuế: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế. Ngoài  ra, còn có nội dung liên quan đến Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Hải quan. Tinh thần chung của các sửa đổi này là có thêm những ưu đãi về thuế theo hướng “khoan sức" DN, đồng thời cải cách thủ tục thuế theo hướng đơn giản hơn, thuận tiện hơn cho DN. Lần đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam được tự do kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm (Điều 6 Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quy định rõ ràng và dứt khoát 6 ngành, nghề cấm kinh doanh: các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người).

Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Buôn Đôn.
Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Buôn Đôn.

Đến "cú hích" về vốn

Việc Quốc hội sửa đổi hàng loạt luật thuế trong những ngày cuối năm 2014 được coi như một "món quà" đầy ý nghĩa cho cộng đồng doanh nghiệp trước năm mới 2015. Thế nhưng, một yếu tố khác được cho là sẽ tạo "cú hích" lớn cho DN trong năm 2015 đó là sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Sự ổn định của kinh tế vĩ mô sẽ giúp kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện cho việc điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp với nhu cầu phát triển của DN. Với mặt bằng lãi suất giảm cùng những chính sách ưu đãi đã giúp các doanh nghiệp (DN) mạnh dạn vay vốn đầu tư kinh doanh. Đến nay, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực còn lại phổ biến khoảng 8%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9%-11% đối với cho vay trung, dài hạn. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, các tổ chức tín dụng tiếp tục các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, hộ gia đình.

Đến hết tháng 1, trong cơ cấu dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, dư nợ cho vay lãi suất đến 9%/năm chiếm 33,6% tổng dư nợ; dư nợ cho vay lãi suất từ 9% đến 13% chiếm 57,7% tổng dư nợ; và nhất là dư nợ cho vay với lãi suất trên 13% hiện chỉ còn chiếm 8,7% tổng dư nợ. Với giải pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, các DN đã có điều kiện tiếp cận vốn vay. Đến hết tháng 1, cho vay DN trên địa bàn tỉnh đạt 13.854 tỷ đồng, chiếm 29,9% tổng dư nợ, tăng 0,8% so với cuối năm 2014 với 2.554 lượt DN vay vốn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.