Multimedia Đọc Báo in

Mùa vàng trên những cánh đồng mẫu

21:53, 19/02/2015

Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Dak Lak như cà phê, cao su, tiêu…, thì cây lúa nước trên vùng đất cao nguyên này cũng đang dần khẳng định tiềm năng của mình bằng năng suất, chất lượng vượt trội: 4 - 5 năm liền sản lượng lương thực có hạt của Dak Lak luôn đạt con số trên 1 triệu tấn. Để khai thác tốt tiềm năng này, việc quy hoạch lại cánh đồng, tổ chức lại sản xuất có sự kết nối của “4 nhà” đang là hướng đến của các địa phương trồng lúa.

Niềm vui từ cánh đồng mẫu

Vụ hè thu 2014, nông dân trồng lúa ở Buôn Đôn vui hơn vì có một vụ mùa bội thu từ cánh đồng mẫu. Nông dân Y Cường (buôn Drang Phốk, xã Krông Na) chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia sản xuất trong cánh đồng rộng lớn, phải tuân thủ theo đúng các quy trình sản xuất, mình cảm thấy hơi khó làm nhưng cũng cố gắng làm theo hướng dẫn của cán bộ. Đến bây giờ gặt lúa xong rồi thì mừng lắm vì chưa năm nào 4,5 sào ruộng của gia đình lại cho lúa nhiều như vậy, phải đến hơn 7,5 tạ/sào. Các hộ tham gia vào cánh đồng mẫu, hộ nào cũng thu được nhiều lúa hơn mọi năm nhưng cái quan trọng hơn là bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện gieo sạ đúng lịch thời vụ chứ không làm theo tập quán, mỗi nhà làm theo cách riêng của mình như trước đây nữa… Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn cho biết, với mục tiêu là liên kết các nông hộ sản xuất nhỏ và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vụ hè thu 2014, huyện đã thực hiện được 3 mô hình cánh đồng mẫu tại các xã Tân Hòa, Ea Nuôl, Krông Na, với quy mô 10 ha/mô hình, có 86 hộ tham gia, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Lúc đầu rất lo vì vận động nhân dân tham gia gặp khá nhiều khó khăn do bà con chưa hiểu, thậm chí khi tham gia rồi thì để bà con tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất thì cũng không đơn giản. Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng thì mô hình cũng đã thành công ngoài mong đợi, đối với cánh đồng trồng lúa lai (nhị ưu 838), năng suất đạt 8,5 tấn/ha, còn đối với các cánh đồng trồng lúa thuần đạt 7,5 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với cách làm trước đây, chi phí đầu tư giảm từ 700 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/ha. Điều thành công lớn nhất là không chỉ đem lại cho bà con những “mùa vàng” mà còn là liên kết nông dân lại với nhau để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con tham gia mô hình rất phấn khởi và đều mong muốn được tiếp tục tham gia mô hình.

Tiềm năng hình thành cánh đồng mẫu ở huyện Lak.
Tiềm năng hình thành cánh đồng mẫu ở huyện Lak.

Từ năm 2013 đến nay, ngoài huyện Buôn Đôn, còn có các huyện Ea Súp, Cư M’gar, Ea Kar, TP. Buôn Ma Thuột… cũng đã thực hiện thành công với mô hình cánh đồng mẫu đem lại niềm vui lớn cho bà con trồng lúa, bởi không chỉ cho năng suất vượt trội mà nông dân còn được tiếp cận với quá trình sản xuất hiện đại (ứng dụng cánh đồng 1 giống, tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, không lạm dụng phân, thuốc, mật độ cây lúa thưa…), đồng thời góp phần giải quyết được vấn đề manh mún về đất đai trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân và giá trị hạt gạo.  

Tổ chức lại sản xuất

Theo Sở NN-PTNT, trong những năm qua, sản xuất cây lúa không ngừng gia tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Năm 2014, diện tích gieo trồng trên 89.600 ha, năng suất đạt gần 58 tạ/ha, sản lượng trên 516.700 tấn (tăng 3,8 lần về sản lượng; 2,12 lần về năng suất; 1,79 lần về diện tích so với năm 1985) và chiếm trên 44,84% tổng sản lượng lương thực có hạt. Mặc dù vậy nhưng thực tế sản xuất lúa nước ở Dak Lak vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, đây là rào cản lớn đối với việc áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật và xa hơn là xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc thực hiện thành công các cánh đồng mẫu là tín hiệu vui đối với cây lúa nước trên vùng cao nguyên này, thể hiện được sự gắn kết “4 nhà” và liên kết nông dân lại với nhau để tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, trong đó là Nhà nước hỗ trợ và doanh nghiệp làm “bà đỡ” cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar đánh giá: “Xây dựng cánh đồng mẫu là một hướng đi phù hợp đối với nền kinh tế thị trường hiện nay, bởi nông dân không thể có lợi nhuận cao khi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Ea Kar cũng là một huyện có diện tích lúa nước khá lớn và đã xây dựng được 2 mô hình ở xã Ea Ô, bước đầu có tác động tích cực đến tâm lý sản xuất của nông dân. Nếu trước đây, chúng ta nhìn các cánh đồng lúa không khác gì cánh đồng hoa, mỗi thửa một màu do mỗi nhà làm một kiểu, không tuân thủ theo lịch thời vụ, sau khi thực hiện cánh đồng mẫu thì màu trên cánh đồng lúa đã đồng nhất, chứng tỏ nông dân đã thống nhất được với nhau trong các khâu sản xuất. Quan trọng hơn, khi thực hiện các khâu như làm đất, sạ, bón phân, phun thuốc… đều được bà con chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất và nâng chất lượng hạt gạo. Chính nhờ vậy mà sản xuất lúa nước ở Ea Kar đã có nhiều tiến bộ, năng suất và sản lượng luôn đạt cao trong các vụ gần đây và bà con đang hướng đến sản xuất lúa thương phẩm có giá trị cao để bán ra thị trường”. Theo ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT), có thể nói, thành công của mô hình cánh đồng mẫu lúa nước ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh là tiền đề để Sở xây dựng đề án cánh đồng mẫu lớn cho các loại cây chủ lực trên địa bàn tỉnh như cà phê, ngô, mía, cao su, tiêu…, hướng tới quy hoạch lại đồng ruộng, quy mô sản xuất, kết nối đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại đã có nhiều địa phương liên kết được với doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân làm cánh đồng mẫu, đồng thời doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua sản phẩm cho nông dân.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc