Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

21:38, 06/09/2018

Sáng 6-9, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được Quốc hội thông qua vào ngày 21-11-2007 và có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2008. Luật gồm có 6 Chương, 46 Điều quy định về phòng ngừa BLGĐ, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống BLGĐ và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ. 

Phó Chỉ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu khai mạc hội thảo.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, từng bước giảm thiểu tình trạng này tại mỗi địa phương và trên toàn quốc. Tuy nhiên, tình trạng BLGĐ vẫn còn tồn tại nên việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ và các văn bản hướng dẫn có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, các chủ trương, đường lối của Đảng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại hội thảo.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, trong 10 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 9.449 vụ việc BLGĐ, (trong đó hơn 70% nạn nhân là phụ nữ), trong đó 35,8% vụ việc bạo lực tinh thần, 49,3% là bạo lực thân thể, 5,03% bạo lực tình dục và 9,7% bạo lực kinh tế. Công tác can thiệp, hỗ trợ, xử lý các vụ việc BLGĐ được thực hiện kịp thời khi đã góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư 6.649 vụ; áp dụng các biện pháp cấm tiếp xúc 424 vụ; áp dụng các biện pháp giáo dục 1.697 vụ; tạm giữ, xử phạt hành chính 617 vụ; xử lý hình sự 80 vụ...

Tại hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận, trình bày những tham luận liên quan đến việc thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh cũng như nêu nhiều kiến nghị để sửa đổi, bổ sung của luật này nhằm bảo đảm cụ thể hóa Hiến pháp, phù hợp với thực tiễn đặt ra. 

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh nhấn mạnh: Công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần làm giảm số vụ BLGĐ một cách rõ rệt. Trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần nghiên cứu, tham mưu để tổ chức các hội nghị đánh giá lại việc thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách sâu rộng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đến công tác này… 

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.