Multimedia Đọc Báo in

Hạn hán và cạn kiệt nguồn nước trong mùa khô năm 2012 - 2013 ở Tây Nguyên

20:14, 06/04/2013

Trong những năm gần đây, do sự biến đổi lớn của khí hậu và môi trường sinh thái, con người thường xuyên phải đối phó với nhiều loại thiên tai, trong đó có hạn hán.


Hằng năm ở Tây Nguyên hạn hán gây nên thiệt hại rất nặng nề về nông - lâm nghiệp và đời sống nhân dân. Hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng như cà phê, cao su, lúa, hoa màu bị chết hoặc giảm sản lượng thu hoạch. Hàng trăm héc-ta rừng trồng, rừng tự nhiên bị cháy, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt...

Nhìn chung, Tây Nguyên có lượng mưa khá lớn, trung bình xấp xỉ 1900mm/năm. Lượng bốc hơi tuy cao (trung bình xấp xỉ 1100 mm/năm) nhưng cũng thấp hơn nhiều so với lượng mưa. Tuy nhiên, hạn hán vẫn xảy ra hằng năm vì các lý do sau:

- Do vị trí địa lý của Tây Nguyên nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới gió mùa, kết hợp với địa hình nên khí hậu Tây Nguyên được phân hoá thành hai mùa: mùa khô và mùa mưa, cùng với tác dụng chắn gió của dãy Trường Sơn Nam nằm gần vuông góc với hướng gió càng khơi sâu thêm sự tương phản giữa hai mùa. Do vậy, thời tiết đặc trưng của Tây Nguyên là về mùa mưa thì thừa ẩm gây lũ lụt, ngập úng, còn mùa khô thì thiếu ẩm nghiêm trọng dẫn đến hạn hán.

Đào giếng giữa lòng hồ để tìm nước tưới cho cà phê trong mùa hạn. Ảnh: Minh Thông
Đào giếng giữa lòng hồ để tìm nước tưới cho cà phê trong mùa hạn. Ảnh: Minh Thông

- Tây Nguyên được trải dài trên 4 vĩ độ (11015'-15024') nên có sự khác biệt đáng kể trong biến trình năm của các yếu tố khí hậu, trong đó có mưa là yếu tố thể hiện rõ nét nhất. Mùa mưa ở Nam Tây Nguyên (từ tháng 4 - 11) bắt đầu sớm hơn và kết thúc cũng muộn hơn so với ở Bắc Tây Nguyên (từ tháng 5 – 10). Một số vùng phía Đông Tây Nguyên lại có kiểu thời tiết hơi khác biệt so với thời tiết đặc trưng chung của Tây Nguyên. Đó là mùa mưa thường bắt đầu muộn hơn và cũng kết thúc muộn hơn so với các nơi khác trong khu vực, do còn chịu tác động của hệ thống thời tiết Đông Trường Sơn. Trong các tháng giữa mùa mưa thường có một thời kỳ ít mưa, nhất là đối với các tỉnh Nam Tây Nguyên người ta thường gọi là hạn "Bà Chằn" hay 'Tiểu hạn" cũng có năm gây nên hạn cục bộ ở một số địa phương.

Mặt khác, do địa hình là các vùng núi và cao nguyên xen kẽ tạo nên sự phân hóa không gian khá phức tạp. Tùy theo độ cao địa hình và dạng địa hình khu vực nhỏ mà hình thành các dạng khí hậu rất khác nhau, xuất hiện biến thiên mau chóng của các yếu tố khí hậu theo không gian. Các nơi địa hình đón gió hoặc khuất gió lượng mưa có sự chênh lệch khá lớn, có thể lên tới 1000mm/năm. Trong các thung lũng núi và cao nguyên, thung lũng sông lượng mưa có thể giảm xuống khá nhỏ, đồng thời nhiệt độ có phần tăng cao. Do vậy tình trạng hạn hán của Tây Nguyên càng phức tạp hơn.

Ở Tây Nguyên, trong năm 2012 mùa khô bắt đầu sớm hơn so với quy luật (phổ biến vào tuần giữa tháng 10). Trong 3 tháng cuối năm (tháng 10, 11 và 12) hầu hết các nơi không mưa hoặc mưa với lượng không đáng kể (phổ biến thiếu hụt từ 40 - 60% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ), kết hợp tháng 1 và 2-2013 nhiều nơi không mưa nên hạn hán đã xảy ra trên khắp địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, tập trung ở các nơi có lượng mưa năm trước (năm 2012) thiếu hụt nhiều như: Dak Lak, Kon Tum, Gia Lai và Bắc Dak Nông, đặc biệt 2 tỉnh là Dak Lak và Gia Lai có hạn nghiêm trọng.

Qua số liệu quan trắc cho thấy so với trung bình nhiều năm tỷ số thiếu hụt lượng mưa lớn nhất trong năm 2012 là tỉnh Dak Lak (trạm Lak: 30,5 % ; Buôn Hồ: 23,6%), tiếp theo các tỷ số nhỏ hơn là tỉnh Gia Lai (tại Ayun Pa: 25,3%; An Khê: 20,5%), Lâm Đồng (Liên Khương: 23,2%). 

Trên hệ thống sông Sê San và sông Ba, thời gian kết thúc mùa lũ năm 2012 sớm hơn 1 tháng (tương ứng bắt đầu mùa cạn sớm hơn 1 tháng), dòng chảy nhỏ nhất trong tháng 3-2013 đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong 3 tháng đầu năm 2013 dòng chảy thiếu hụt phổ biến khoảng 30 - 40% so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, ở một số nơi trong tháng 3 đã xảy ra một số trận mưa rào nên nền nước được tăng lên đáng kể (như trên sông Ayun trạm Pmơ Rê).

Trên hệ thống sông Sêrêpôk thời gian bắt đầu mùa cạn phổ biến sớm hơn 1 tháng; cá biệt có nơi sớm hơn 2 tháng như trên sông Krông Buk (trạm Krông Buk), sông Krông Ana (trạm Giang Sơn). Trong 3 tháng đầu năm 2013 dòng chảy thiếu hụt đáng kể, nhiều nơi thiếu hụt 60 - 70% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ (như trên sông Krông Ana tại trạm Giang Sơn).

Trên hệ thống sông Đồng Nai thời gian bắt đầu mùa cạn phù hợp với quy luật nhiều năm. Dòng chảy nhỏ nhất trong tháng 3 và dòng chảy 3 tháng đầu năm 2013 đều ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (riêng trên sông La Ngà tại trạm Đại Nga ở mức thấp hơn)

Mùa cạn năm 2012 – 2013 cạn kiệt xảy ra khá nghiêm trọng, dòng chảy trên một các sông suối ở mức rất thấp, so với trung bình cùng kỳ nhiều nơi dòng chảy thiếu hụt từ 60 - 70%. Qua số liệu quan trắc được thì cạn kiệt diễn ra gay gắt nhất tập trung ở tỉnh Dak Lak, sau đó đến hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum; tỉnh Lâm Đồng và Dak Nông theo các chỉ tiêu thì ở mức bắt đầu xảy ra cạn kiệt.

Hiện nay, trên nhiều hệ thống sông suối ở Tây Nguyên dòng chảy chịu sự tác động của các hồ thủy điện, nên có nhiều biến động không phù hợp với quy luật tự nhiên. Điển hình như trên sông Ba (tại trạm An Khê) dòng chảy qua các tháng (trong năm 2012) đều duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và không tháng nào đạt chỉ tiêu mùa lũ. Do vậy, cạn kiệt liên tục xảy ra và kéo dài đến mùa cạn năm sau (năm 2013).

Nhận định trong thời gian tháng 4 tới: Thời tiết ấm, nhiều ngày nắng nóng, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 32-34oC, có ngày trên 35oC, có nơi trên 36oC. Mưa rào và dông nhiệt sẽ xảy ra vào chiều, chiều tối và đêm, nhưng chỉ xảy ra cục bộ, nên có thể khắc phục được hạn trong phạm vi nhỏ, đại bộ phận trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên vẫn ở trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng, nhất là những vùng núi cao thung lũng, các vùng phía Đông, Đông Nam tỉnh Gia Lai và tỉnh Dak Lak.

Mùa mưa Tây Nguyên khả năng xảy ra vào đầu tháng 5-2013, nên tình hình hạn hán cơ bản sẽ được khắc phục trong thời kỳ cuối tháng 4, đầu tháng 5.

Hạn hán, cạn kiệt ngày một gay gắt, khó lường và sẽ thường trực trong đời sống, sản xuất của người dân Tây Nguyên qua mỗi năm. Vậy nên, cần có giải pháp bền vững để “sống chung với hạn”. Muốn vậy, việc sản xuất nông nghiệp cần được thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng định hướng để phát triển bền vững, không phát triển trồng các cây công, nông nghiệp ở những vùng không phù hợp, thường xuyên xảy ra thiếu nước, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp theo hướng tiết kiệm nước, thân thiện với môi trường… Đó là những giải pháp không mới, nhưng sẽ là căn bản và bền vững để hạn chế hạn hán.

Nguyễn Minh Dũng - Nguyễn Hoàng Tâm


Ý kiến bạn đọc