Multimedia Đọc Báo in

Thảm họa bão lũ, sạt lở núi ở miền Trung: Do thiên tai hay nhân tai?

05:37, 15/11/2020

Nửa cuối tháng 9 và trong suốt tháng 10 năm 2020, miền Trung nước ta liên tục hứng chịu 5 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới và 9 vụ sạt lở núi.

Thiệt hại do bão chồng bão, lũ chồng lũ gây ra đối với miền Trung vô cùng nghiêm trọng, khiến hàng chục người chết, hàng nghìn nhà bị tốc mái, hư hại.

Mổ xẻ nguyên nhân gây bão lũ dữ dội, dồn dập xảy ra tại miền Trung vừa qua, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân trước hết là do biến đổi khí hậu. Khu vực miền Trung, với đặc điểm tự nhiên địa hình dốc, lòng sông hẹp, mưa lũ lớn, cửa sông bị sa bồi và thay đổi qua từng năm, nhiều vùng địa chất yếu... Nguyên nhân tiếp theo là sự tàn phá thiên nhiên do chính bàn tay con người. Từ áp lực tăng trưởng “nóng”, bài toán quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững... dẫn đến việc đầu tư, xây dựng của các ngành, địa phương bất chấp quy luật của tự nhiên, phá vỡ môi trường sinh thái.

Có ý kiến còn cho rằng, lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều - đó là quy luật của trời đất. Sạt lở đất do mưa lâu ngày, đất chứa nhiều nước hay còn gọi là no nước làm cho tính kết dính kém. Và khẳng định, mưa bão là kẻ thù đối mặt, còn sạt lở đất là kẻ thù không biết xuất hiện lúc nào. Chung quy lại, theo họ, thủ phạm gây nên bão lũ, sạt lở kinh hoàng, hết thảy đều tại… trời đất!

Những quan điểm trên, xét theo hệ quy chiếu nào đó thì quả không sai. Nhưng nếu truy cho đến tận cùng chân lý thì hình như nói vậy mà không phải vậy.

Tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở huyện Phước Sơn ( tỉnh Quảng Nam) ngày 28-10-2020. Ảnh: baodantoc.vn
Tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở huyện Phước Sơn ( tỉnh Quảng Nam) ngày 28-10-2020. Ảnh: baodantoc.vn

Thiên tai dồn dập ở miền Trung vừa qua là do biến đổi khí hậu ư? Điều này hoàn toàn chính xác nhưng phải hiểu rằng, biến đổi khí hậu đã có từ khi hình thành Trái đất với lịch sử hàng triệu năm. Những cuộc biến đổi khí hậu còn lưu lại dấu tích mà khoa học đã xác định được đó là các thời kỳ băng hà, những trận đại hồng thủy, những đợt phun trào núi lửa, động đất tác động sâu sắc trên diện rộng môi trường sống của tự nhiên tạo nên những biến động lớn làm thay đổi, thậm chí là đột biến hệ sinh thái toàn cầu. Những biến đổi khí hậu như thế hàng vạn năm mới xảy ra.

Trái đất từ khi đi vào trạng thái ổn định hầu như không còn diễn ra những cuộc biến đổi khí hậu quy mô lớn. Khí hậu các vùng miền trên các châu lục nhìn chung ổn định từ mấy nghìn năm nay. Quy luật đó diễn ra hằng năm mang tính ổn định là một phần hết sức quan trọng tạo nên sự cân bằng sinh thái của tự nhiên, điều kiện tiên quyết để con người sinh cơ lập nghiệp. Phá vỡ quy luật đó mới dẫn đến biến đổi khí hậu, mới nảy sinh thiên tai.

Những cơn bão, lũ dồn dập, chồng lên nhau trong vòng chưa đầy một tháng cộng với sạt lở đất kinh hoàng ở miền Trung vừa qua là bất thường và dị thường – một minh chứng cho sự biến đổi khí hậu cục bộ. Từ phân tích của các chuyên gia cho thấy, thảm họa ở miền Trung không trực tiếp chịu tác động của quy luật biến đổi khí hậu do tự nhiên, tức là không hoàn toàn tại ông trời mà chủ yếu là do chính con người gây ra – nhân tai – hệ quả của sự tích tụ hàng chục năm phá hủy môi trường tự nhiên do nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế không được kiểm soát chặt chẽ, khoa học.

Bằng chứng rõ ràng là tại tỉnh Quảng Nam, có tới hàng chục thủy điện lớn nhỏ khác nhau. Riêng huyện Phước Sơn còn có hàng loạt các điểm khai thác vàng, gây sạt lở nguy hiểm không kém thủy điện khi việc khai thác phải tiến hành đào sâu vào bên trong, tạo nên những đường hầm trong lòng đất dẫn đến hiện tượng rỗng chân núi. Hầu hết các điểm sạt lở đều nằm gần khu vực các thủy điện "cóc" hoặc các điểm bạt núi, san đồi thuộc các dự án mở đường, xây dựng công trình hay làm nhà ở của người dân.

Chính vì thế, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh, thành khác ở khu vực miền Trung trong thời gian qua không phải chỉ là thiên tai mà là nhân tai.

Nếu chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra nguồn gốc sâu xa gây lũ chồng lũ quét, sạt lở núi kinh hoàng thì chắc chắn trong tương lai gần sẽ còn đón nhận nhiều thảm họa tương tự.

Vì vậy, một cái nhìn toàn cục và sâu sắc về biến đổi khí hậu là rất cần thiết lúc này để từ đó đề ra được giải pháp phòng tránh thiên tai tích cực, hạn chế tối đa tác hại của nó nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được yêu cầu phát triển kinh tế bền vững.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.