Multimedia Đọc Báo in

Nhớ nội

11:15, 10/08/2019
Trời chiều mênh mông, từng đợt gió thổi qua làm lay động đám mạ non xanh rờn dậy mùi thơm thoang thoảng.
 
Đàn chim từ đâu lượn bay như những mũi tên khổng lồ chênh chao giữa trời xanh rộng lớn. Lá bạch đàn héo khô rơi dày trên mặt đất. Tôi ngồi đó ngắm hàng cây, ngắm cây ổi già năm xưa đơm hoa đầu mùa mà trí nhớ ngược thời gian quay về kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu.

Lòng tôi quay quắt nhớ những lần ăn cà rem uống nước cốt dừa nội mua, ăn trái mua dại nội hái ngọt sớt thơm mùi quê cũ…

Tôi nhớ rất rõ, ngày đó ba má tôi thường ra đồng chăm rau bón lúa, ở nhà chỉ có hai bà cháu hủ hỉ bên nhau. Suốt những tháng năm tuổi thơ nội đều cùng tôi bầu bạn. Nội dạy tôi bện chổi rơm ban sáng, nội dỗ tôi ngủ trong tiếng ru à ơi ban trưa đưa tuổi thơ tôi dặt dìu xuôi dòng sông quê, theo bưng ngàn mà khôn lớn. Khi nắng vừa khuất sau hàng cau, nội đưa tôi ra triền đê lộng gió thả diều. Mỗi tối, nội nằm đưa võng kẽo kẹt trước hiên hóng gió, má sẽ dỗ tôi ngủ khi cái radio cũ xì trên nóc tủ phát chương trình “Vọng cổ đêm khuya”.

Tôi ngước mắt nhìn đám mây dần chuyển màu đen thẫm, gió mỗi lúc một mạnh khiến mớ rơm khô bay rối trên không trung. Gà mẹ tao tác gọi con khi mưa dần nặng hạt. Hình ảnh ấy khiến lòng tôi da diết nhớ nội. Nhớ lắm những lúc bị má đánh đòn, nội kéo tôi chạy nhanh ra cửa miệng không quên nói với “chạy đi con”. Má tôi sẽ càm ràm “Má chiều riết nó hư đó” nhưng cũng chẳng buồn rượt theo. Nội vuốt mái tóc ướt đẫm mồ hôi của tôi, kéo vạt áo lau đôi mắt lem luốc đọng mấy giọt nước mắt ngắn dài. Rồi từ cái túi áo thần kỳ lúc nào cũng sẵn quà bánh, nội lấy ra ít trái trâm chín mọng dúi vào tay tôi như bù đắp cho chỗ mông nổi lằn bị má đánh ban nãy. Tôi đón lấy với niềm vui trong veo cười để lộ hàm răng cửa sún gần hết.

Khi tôi dần lớn hơn, bạn đến chơi nhà, tôi bắt đầu né tránh những cái xoa đầu, những cử chỉ yêu thương của nội vì sợ bạn bè chọc quê. Mỗi lần ra chợ nội vẫn mua quà bánh tôi thích rồi dúi vào tay tôi như món quà mừng, nhưng tôi không ăn vì sợ bị coi là con nít. Lúc đó tôi không đủ sâu sắc để hiểu được ánh mắt và nụ cười buồn thoáng hiện ra trên gương mặt già nua của nội.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Tháng năm vẫn vô tình trôi, tôi rời quê lên tỉnh để tiếp tục việc học. Lâu lắm tôi mới có dịp về thăm nhà, nội tôi hay tin mừng rơi nước mắt. Nội xoa đầu, rồi nắm chặt đôi bàn tay to khỏe của tôi thều thào “Lóng rày bận quá hả con?”. Tôi nghẹn ngào khi nhìn nội nằm trên giường bệnh chống chọi với bệnh tật tuổi già. Nội nói “Bây về là nội khỏe re”, rồi nội ăn liền một chén cháo đầy cho tôi yên dạ. Được ít hôm tôi lại phải đi. Cái nhìn khắc khoải của nội trông theo bóng tôi khuất mờ sau lũy tre làm tôi nấn ná không ít lần mới rời đi được.

Sau cuộc điện thoại được bà chủ nhà trọ cho hay tôi hối hả về quê. Nhà tôi quạnh quẽ biết bao khi giậu mồng tơi rũ rượi không buồn đâm chòi trên hàng rào trước sân, đám huệ trắng nội thích cũng chẳng đơm hoa trước ngõ. Hai nắm mộ ông bà nội lặng lẽ nằm cạnh nhau trong vườn khiến lòng tôi se thắt. Tôi thắp nén hương muộn màng lên bàn thờ nội, nhìn bức di ảnh của nội tôi khóc không thành lời. Bao lần “giá như thế này, giá như thế kia” lũ lượt kéo về xé nát lòng tôi. Tôi hối hận vì cái rụt đầu né tránh vòng tay nội vì sợ quê, ngẩn ngơ tiếc thời gian chẳng dám ăn loại bánh ngào đường ngon ngọt vì sợ bị kêu là con nít.

Tôi ngồi bên mái hiên đếm từng giọt mưa rơi đều trước sân, tâm tư tôi như bọt bong bóng nước kia phập phồng theo dòng chảy. Vẫn biết rằng ai chẳng một lần sống, rồi lại chết đi nhưng không ngăn được nỗi buồn day dứt kéo nhau về khuấy động tâm can. Bỗng cầu vồng rực rỡ lặng lẽ từ góc trời này nối đến chân trời kia cong cong như vòng tay êm ái hiện ra sau cơn mưa. Lẩn khuất đâu đó trong màn sương tôi như thấy nội vẫy tay chào tôi trong nụ cười phúc hậu. Tôi nhận ra nội vẫn mãi trong tim tôi và đâu đó âm vang lời ru ngọt ngào khi tôi lặng lòng nhớ nội. Nội ơi!

Ngọc Chiểu


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.