Từ "Vì nhân dân phục vụ" đến ca khúc "Vì nhân dân quên mình"
Nhạc sĩ Doãn Quang Khải sinh ngày 10-8-1925, tại làng Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Xã Ngọc Mỹ của Doãn Quang Khải người ta thường gọi vui là “xã nhạc sĩ”, vì xã này có tới 7 người là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tháng 8-1945, Doãn Quang Khải nhập ngũ vào quân đội, từng tham gia chiến dịch Hà Nam Ninh, Việt Bắc, Hòa Bình thời chống Pháp. Thời chống Mỹ, ông có mặt chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, Tây Nguyên.
Khi được hỏi về nguồn gốc ra đời bài hát “Vì nhân dân quên mình”, ông cho biết: Năm 1950 ông được cử đi học lớp cán bộ bổ túc cấp đại đội, sau trường này mang tên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Trước khi tốt nghiệp, nhà trường tổ chức đợt phát động sáng tác thơ, ca, nhạc, họa nhằm cổ vũ tinh thần kháng chiến của quân và dân ta. Vốn ấp ủ và đam mê âm nhạc từ nhỏ, nên dịp này là cơ hội để Doãn Quang Khải thể hiện lòng yêu âm nhạc của mình, dù tác phẩm chỉ được trưng bày trên báo tường của nhà trường. Đang trăn trở chưa biết tìm đề tài sáng tác nào để tránh trùng lặp với các nhạc sĩ đi trước, một hôm ông đến Phòng hành chính văn thư của trường thấy có tờ báo Vệ Quốc Đoàn (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân bây giờ) có ghi tiêu chí, mục đích của tờ báo, với 5 chữ in to đậm “Vì nhân dân phục vụ”. “A đây rồi! Chủ đề đây rồi!” - Doãn Quang Khải khẽ reo lên, rồi ông lẩm nhẩm: Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Nhưng khi nhẩm hát đến chữ “vì nhân dân phục vụ” thì hai từ “phục vụ” âm trắc thật nặng nề. Dùng nốt “sí”, “mí” không được, Doãn Quang Khải liền chuyển ca từ “vì nhân dân phục vụ” thành “vì nhân dân hy sinh”. Quả thật, âm điệu hiệu quả, mạnh mẽ hơn. Doãn Quang Khải liền mượn tờ báo về, cả đêm ông không ngủ để hoàn thành bài hát và đến gần sáng thì đứa con tinh thần “Vì nhân dân quên mình” ra đời. Sáng hôm sau, ông gọi một số anh em trong đơn vị lại để nghe ông hát thử. Chỉ sau vài lần nghe, mọi người đã thuộc và vỗ tay hát theo ông.
Tại buổi lễ bế mạc khóa cán bộ quân sự cấp đại đội ngày 1-5-1951, bài hát “Vì nhân dân quên mình” được biểu diễn. Năm 1952, bài hát được gửi về Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự cuộc thi sáng tác văn học – nghệ thuật toàn quốc. Năm đó, có hai tác phẩm đoạt giải cao; trong đó một giải Nhì (không có giải Nhất) là bài “Vì nhân dân quên mình” của Doãn Quang Khải, một giải Ba là bài “Bộ đội về làng” của Lê Yên, phổ thơ Hoàng Trung Thông.
Từ đó đến nay đã trên 60 năm, bài hát “Vì nhân dân quên mình” được coi như một bài “quân ca” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và trên 40 năm, ca khúc này được chọn là nhạc hiệu của buổi phát thanh Quân đội nhân dân.
Lê Hồng Bảo Uyên
Ý kiến bạn đọc