Multimedia Đọc Báo in

Bàn về học và tự học trong hội họa

17:21, 07/12/2014
Có lần, một người bạn hỏi tôi rằng: “ tôi là dân kinh doanh nhưng tôi rất thích vẽ. Tôi muốn chính mình tạo nên một “tác phẩm”.
 
Vậy tôi cần phải học ai, học ở đâu, học những gì và học thời gian bao lâu thì tôi có thể vẽ được những gì mình thích?”. Lại có một nhà thơ nói với tôi rằng: “Nếu tôi vẽ, tôi sẽ vẽ tốt và vẽ đẹp vì nhà thơ có những ý tưởng mà họa sĩ không có được”. Như vậy là đã có hai người ít nhiều có suy nghĩ và quan tâm đến hội họa. Một người là dân kinh doanh, một người là nhà thơ. Điều này làm tôi nhớ lại khoảng thời gian còn giảng dạy, chuyện rằng: Vào một ngày như mọi ngày, một người đàn ông dẫn con đến xin cho con được tham gia lớp năng khiếu với câu nói đáng để những người làm nghề phải suy nghĩ. Ông nói: “Thưa thầy! Xin thầy cho cháu được theo thầy để học vẽ”. Ngập ngừng đôi phút, ông tiếp lời. “Con tôi văn dốt toán dát, người thì gầy yếu không hợp với thể thao, cháu nó vẫn thường hát nhưng hát cũng không ai nghe được. Gia đình nghĩ mãi chẳng biết cho cháu theo học ngành gì. Với lại thời gian gần đây nghe nói giáo viên mỹ thuật đang thiếu rất nhiều nên gia đình xin thầy giúp cháu một thời gian, biết đâu cháu phát lộ năng khiếu về mỹ thuật thì tốt quá…”. Vậy là có thêm một người nữa quan tâm đến hội họa - dù theo cách nghĩ nào.
Phù phiếm 2 - Tranh của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật  TP. Hồ Chí Minh).
Phù phiếm 2 - Tranh của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh).

Với người đầu tiên, tôi trả lời: “Mua sách về nhà, tự học”. Với nhà thơ, tôi trả lời: “Chỉ có chúng ta không biết khả năng của chính mình mà thôi, bởi bản chất của các loại hình nghệ thuật là cùng chung một xuất phát điểm”. Với người thứ ba - không thể đem lý luận mỹ học hay phân tích vuông tròn về đặc thù nghề nghiệp để giải thích được, thôi thì lựa lời mà tiễn khách cho nhàn tấm thân.

Suy cho cùng thì trong cuộc sống hiện nay, có vô số người không biết, hoặc không thấy được khả năng của chính bản thân mình. Dân gian có câu: “Xưa nay thế thái nhân tình, vợ người thì đẹp, văn (tranh) mình thì hay”. Vậy nên có vô vàn sự ngộ nhận, có vô vàn sự tự mãn với chính bản thân, nghề nghiệp của mình. Có “họa sĩ” khi nói về đồng nghiệp của mình với một người thứ ba thì câu cửa miệng luôn luôn: “Ôi giời! Tay đấy trình độ trung cấp mà vẽ vời gì?”, hoặc: “Lão ấy ngày xưa học cùng lớp tớ, bài vẽ toàn điểm kém ấy mà”… Viết đến đây bỗng nhiên tôi lại nhớ đến câu nói của họa sĩ Nguyễn Quân: “Mỹ thuật phải có chút tay nghề kỹ thuật và tạo hình phải nắm vững, có rất nhiều sách vở và vật liệu để tự học. Không phải là nghiệp dư hay dân gian. Anh phải tự học tất cả (nếu không nói là nhiều hơn) những gì là hàn lâm phải học ở trường. Rất nhiều các danh họa thế giới và Việt Nam tự học hoặc học dở dang rồi bỏ trường… ra tự học. Cánh cửa nghệ thuật rộng mở, chân trời bao la. Nhưng “học thành tài” (dù ở trường hay tự học) không phải là quy luật, mục đích của nghệ thuật. Tự tin, thành thật với mình trong sáng tạo… rồi xem trời có bảo mình (thành tài) không đã là may mắn của một đời nghệ sĩ”.

Như vậy trong công cuộc sáng tạo nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng thì điều quan trọng nhất ở tư duy của người họa sĩ là vẽ như thế nào chứ không phải là vẽ bằng chất liệu gì. Và học như thế nào chứ không phải là học trường nào và bằng cấp gì. Nếu thật sự là như vậy và ai ai cũng hiểu được như vậy thì có gì mà phải bàn và luận. Tuy nhiên cái tôi thiển cận cộng với một mớ lý luận theo kiểu “lũy tre, bến nước, gốc đa” đã hình thành nên khái niệm bất phục, hay nói khác hơn là thiếu sự trong sáng trong cách nghĩ về tác phẩm và nghĩ về đồng nghiệp. Trong các cuộc triển lãm khu vực, toàn quốc khi đồng nghiệp được vinh danh thì tặc lưỡi cho rằng đồng nghiệp vẽ theo gu của hội đồng nghệ thuật, vẽ tranh mang tính thời sự. Hoặc họa sĩ A có quan hệ thân thiết với các vị trong hội đồng, họa sĩ B “điếu đóm” chủ tịch hội đồng nghệ thuật; may mắn lắm thì được phán một câu: “hên thôi”. Lại có dịp các họa sĩ cùng gửi tác phẩm tham dự triển lãm, khi tác phẩm của đồng nghiệp không được chọn treo thì cho rằng ta hay hơn họ và lấy đó làm chủ đề cho các cuộc “luận bàn nghệ thuật” lúc say sưa.

Đôi lúc bình tâm tôi tự hỏi chính bản thân mình về quan niệm chuẩn mực của cái đẹp, quan niệm về nghệ thuật trong mỗi cá nhân, về sáng tạo thì cần phải được đào tạo bài bản hay chỉ cần tự học. Những câu hỏi này cứ dai dẳng đi theo tôi hết năm này qua tháng nọ. Đau đáu với điều này, cùng với những suy nghĩ cụ thể và quan sát những đồng nghiệp đã thành danh trong và ngoài nước, tôi đã có câu trả lời cho chính bản thân mình. Đó là, điều quan trọng ở đây không phải là được đào tạo bài bản hay tự học mà quan trọng nhất là làm cách nào để không bị “bóng đè”, không ấu trĩ trong cách nghĩ, cách đánh giá về đồng nghiệp, không lấy giải thưởng làm thước đo về thành công hay thất bại, bởi cái tôi cá nhân là cần thiết với tất cả mọi người. Đặc biệt là với người họa sĩ khi ta biết áp chế cái tôi của mình đúng lúc, đúng thời điểm và đúng trong từng hoàn cảnh thì khái niệm đẹp hay chưa đẹp sẽ có khoảng cách, giới hạn rất rõ ràng, minh bạch và có lẽ những người “ngoại đạo” sẽ không còn phân vân khi tìm hiểu về một bức tranh qua cách “phân tích tác phẩm” của một số họa sĩ nào đó.

Chúng ta cần phải nghĩ thêm rằng, làm nghệ thuật để làm gì. Để tham dự giải thưởng, “tự sướng” với bản thân hay đóng cửa bảo nhau. Có một điều ta thấy rất rõ là “văn hóa đám đông” vẫn áp chế lên góc nhìn về cái đẹp trong hội họa. Đơn cử là một tác phẩm nào đó được một “ngôi sao” trong nghề khen đẹp thì đa số đều cho là đẹp mà không hề nghĩ rằng “ngôi sao” là “ngôi sao” và ta là ta. Muốn tung hê hồ thỉ mà phải ngó trước trông sau thì… mệt quá.

Hội họa hiện nay đang phát triển đa chiều, đa hướng. Người viết nói lên quan điểm của mình với mong muốn góp một phần nhỏ vào công việc định hướng nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng nhằm tạo nên một khu vườn hội họa trong lành và tĩnh tại. Bởi khi ta đã dấn thân trên con đường nghệ thuật thì cũng đồng nghĩa với đang bước trên than hồng, lửa bỏng. Vậy nên mọi lý luận đều có giới hạn và mọi so sánh đều khiên cưỡng trong sáng tạo mà thôi và “đích đến của tất cả những người nghệ sĩ chân chính là sáng tạo”.

Nguyễn Huy Lộc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​