Multimedia Đọc Báo in

"Loạn" thị trường bất động sản (Kỳ 1)

09:15, 06/05/2019

Thị trường bất động sản (BĐS) tại TP. Buôn Ma Thuột hiện đang hỗn loạn và “sốt” chưa từng có. Tình trạng tạo "bong bóng" của các công ty BĐS, môi giới với những chiêu trò tinh vi, khiến nhiều người dân có nhu cầu mua nhà, đất hoang mang. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại lúng túng trong việc quản lý thị trường, tạo quỹ đất, huy động vốn của những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh BĐS.

Kỳ 1: Bất động sản: Cơn “sốt” chưa từng có

Từ đầu năm 2018 đến nay, giá nhà, đất ở nhiều khu vực tại TP. Buôn Ma Thuột “sốt” lên từng ngày. Khi thị trường BĐS trở nên sôi động, đi đâu cũng nghe người ta nói chuyện mua bán nhà, đất.

“Ma trận” thông tin nhà, đất

Trước đây, để rao bán một căn nhà hay một mảnh đất, người dân thường phải cắm biển hoặc thuê người phát tờ rơi tại các điểm có nhiều người qua lại. Trong những năm gần đây, khi mạng xã hội trở nên phổ biến thì người dân và giới kinh doanh BĐS cũng tận dụng nó như một công cụ đắc lực. Chỉ cần cầm điện thoại có kết nối Internet rồi check in nhóm trên Facebook “MUA & BÁN NHÀ ĐẤT BMT – Daklak” ngay lập tức có hàng loạt thông tin nhà, lô đất được rao bán, trong đó chủ yếu của giới “cò” BĐS. Đây là nhóm công khai, với gần 20.000 lượt người tham gia, do vậy số lượt truy cập, tìm kiếm thông tin về nhà, đất trên nhóm này rất lớn. Tương tự, trên nhóm “Chợ Vip - Daklak”, thông tin về thị trường BĐS cũng “chiếm sóng” lấn át các mặt hàng, sản phẩm khác với hàng ngàn lượt truy cập cho mỗi thông tin. Ngoài ra, trên trang Facebook cá nhân hay Zalo, các thông tin quảng cáo mua, bán nhà, đất cũng được đăng tải với mật độ dày đặc.

Một khu đất được phân lô bán nền tại thôn 7, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).
Một khu đất được phân lô bán nền tại thôn 7, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).

Điều đáng nói là nhiều thông tin về BĐS đăng trên các trang, nhóm khá mập mờ, thiếu chính xác về diện tích, nguồn gốc đất. Thậm chí giá cả cũng khác nhau trên cùng một căn nhà, một lô đất được rao bán trong cùng thời điểm. Đơn cử như trên Facebook của một “cò” đất trong nhóm “Chuyên trang Nhà Đất – Đăk Lăk” rao bán lô đất đường Mai Thị Lựu, phường Ea Tam với giá 2 tỷ 950 triệu đồng, trong khi cũng sản phẩm này rao ở nhóm “MUA & BÁN NHÀ ĐẤT BMT – Daklak” rao giá 3 tỷ đồng, chênh lệch giá 50 triệu đồng. Thậm chí một số lô đất được các “cò” khác nhau hét giá chênh lệch lên đến 100 triệu đồng trong cùng một thời điểm đăng thông tin. Không chỉ về giá cả, việc mô tả đặc điểm đất cũng bị "tung hỏa mù". Chẳng hạn cùng 1 căn nhà đầu đường Nguyễn Trường Tộ, ở một Facebook giới thiệu diện tích 4,6 x 20 m, nhưng một Facebook khác lại mô tả 4 x 20 m. Tình trạng này khiến người dân vướng vào “ma trận” khi tìm hiểu thông tin nhà, đất và rất khó để chọn được sản phẩm phù hợp.

Ngoài thực địa, các thông tin nhà, đất cũng được cắm, dán khắp nơi từ tường rào nhà dân, trụ điện, trụ đèn tín hiệu giao thông cho đến cây xanh ven đường. Tại các khu vực ngã ba, ngã tư – nơi có nhiều người qua lại - các biển rao bán nhà, đất được treo dày đặc, chồng chéo lên nhau. Tại những địa bàn đang “hot” như xã Cư Êbur, phường Ea Tam, khu vực gần hồ Ea Kao... người xem đất, “cò” đất ra vào liên tục, đặc biệt là tại các dự án phân lô của doanh nghiệp, cá nhân. Tuy nhiên, thông tin về giá cả được rao cao ngất ngưởng, cùng một sản phẩm nhưng được nhiều “cò” rao ở nhiều nơi, thông tin mỗi nơi một kiểu, nên rất khó thẩm định giá trị thực tế của sản phẩm.

Đất rẫy thành tiền tỷ

Cơn “sốt” giá nhà, đất diễn ra không chỉ ở khu vực trung tâm mà ở nhiều vùng ven TP. Buôn Ma Thuột cũng "nóng bỏng" không kém. Nguyên nhân là do quỹ đất vùng nội thành không còn nhiều, trong khi vài năm trở lại đây, địa phương đã quản lý có phần chặt chẽ hơn ở lĩnh vực đất đai, xây dựng. Do vậy, nhiều khu vực vốn là đất rẫy nay có giá trị hàng tỷ đồng. Đơn cử như khu vực cuối đường Vạn Xuân nối Phùng Hưng (phường Ea Tam), trước đây chủ yếu là đất rẫy canh tác cà phê, tiêu của các hộ dân vào làm kinh tế mới. 2 năm nay, phần lớn diện tích này đã được chủ đất bán lại cho các công ty BĐS với giá trị hàng tỷ đồng. Một người dân (xin giấu tên) ở đây cho biết, cuối năm 2018 ông bán 2 sào đất rẫy cho một công ty BĐS với giá 6 tỷ đồng, đó là số tiền lớn cả gia đình ông có làm rẫy cả đời cũng không mơ tới. Hiện nay, lô đất này đã được công ty nọ chuyển đổi mục đích sử dụng, đầu tư làm đường giao thông, phân chia lô và mới được mở bán với tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nhân viên công ty bất động sản giới thiệu cho khách một khu đất phân lô bán nền  cuối đường Y Moan (TP. Buôn Ma Thuột).
Nhân viên công ty bất động sản giới thiệu cho khách một khu đất phân lô bán nền cuối đường Y Moan (TP. Buôn Ma Thuột).

Tại xã vùng ven Cư Êbur, hiện tượng “sốt” giá đất xuất hiện khoảng 2 năm nay, đặc biệt là từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trở lại đây. Cụ thể, khu vực thôn 8, phần lớn diện tích đất rẫy có thổ cư đã được rao bán rầm rộ từ khoảng 3 tháng nay, với giá dao động từ 200 - 400 triệu đồng/lô có bề rộng 5 mét, sâu từ 20 - 25 m. Điều đáng nói là, địa bàn này cách xa trung tâm xã, giáp với huyện Buôn Đôn, đất đai cằn cỗi, hiệu quả canh tác không cao. “Do thị trường đất đang “sốt”, cùng với tình trạng đầu cơ của “cò” đất đã đẩy giá đất khu vực này lên từng ngày, nên nhiều hộ dân tranh thủ bán kiếm lời để mua đất canh tác tốt hơn”, anh Trần Hoài Nam, cán bộ Xây dựng - Địa chính xã Cư Êbur cho biết.

Còn tại khu vực đường Y Moan đoạn qua đường tránh Tây Buôn Ma Thuột, giá đất nhảy vọt từ cuối năm 2018, đến thời điểm hiện tại, đây được coi là điểm “nóng” nhất trên thị trường đất. Theo một “cò” đất giới thiệu lô đất trên đường này đoạn qua buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur, với diện tích 10 x 41 m có giá 2,7 tỷ đồng (chỉ thương lượng nhẹ). Cách đó không xa là khu vực đất rẫy thuộc địa bàn thôn 7 được phân lô bán với giá cao ngất ngưởng từ 500 đến 700 triệu đồng/lô rộng 5 mét, sâu 20 - 25 m nhưng ở địa thế dốc, dân cư thưa thớt.

Câu chuyện “sốt” đất diễn ra từng ngày ở Buôn Ma Thuột khiến nhiều người phải chạy theo thị trường làm cho "quả bóng BĐS" ngày càng phình to. Ở các quán cà phê, chợ, đâu đâu cũng nghe bàn chuyện đất đai. Do đó, cơn “sốt” đất sẽ không hạ nhiệt mà thậm chí còn gia tăng. Vậy thực hư, cơn “sốt” đất là thật hay ảo, thị trường bị thao túng thế nào, ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?

Theo đánh giá của UBND TP. Buôn Ma Thuột, từ đầu năm đến nay, tình trạng đầu cơ đất có chiều hướng phức tạp, giá đất tăng đột biến so với thực tế, tình trạng tự ý mở đường, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp vẫn còn diễn ra, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, theo dõi, xử lý của địa phương.

    (Còn nữa)

Hoàng Minh Thùy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.