Multimedia Đọc Báo in

Đừng đợi có dịch mới tiêm vắc xin

08:53, 09/08/2020
Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trước nguy cơ dịch bệnh. Tuy nhiên, vắc xin chỉ có thể kéo dài khả năng bảo vệ cho trẻ trong một giai đoạn nhất định, sau đó cần tiến hành tiêm nhắc lại để nâng cao kháng thể bảo vệ trẻ. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan, lơ là, trì hoãn việc tiêm chủng nhắc lại cho trẻ.   
 
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bệnh bạch hầu đang bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh. Trong số những người mắc bệnh, có cả những trẻ từ 6 đến 15 tuổi dù đã tiêm ngừa vắc xin có chứa thành phần bạch hầu trước đó nhưng tiêm chưa đủ mũi vắc xin, không tiêm nhắc lại hoặc tiêm không đúng lịch. 
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với tâm lý lo sợ, các bậc phụ huynh lại “cuống cuồng” đưa con em mình đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để tiêm ngừa. Tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, như: Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Trung tâm Tiêm chủng VNVC, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh hoặc các phòng khám đa khoa có triển khai tiêm ngừa dịch vụ… trong những ngày trung tuần tháng 7 luôn trong tình trạng đông nghẹt người dân đến tiêm chủng, đặc biệt là người dân đến từ các huyện đang có dịch bạch hầu, như: Cư M’gar, Cư Kuin, Lắk, M’Đrắk… 
 
Trước tình hình mọi người kéo nhau đi tiêm vắc xin ồ ạt, bác sĩ Lê Phúc cảnh báo: Tiêm chủng đủ liều vắc xin, đúng lịch giúp ngăn chặn hoặc hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh chứ không phải là một biện pháp điều trị bệnh nên không thể có hiệu quả nhanh chóng và tức thời. Chẳng hạn, bạch hầu thì cần có khoảng 10 ngày mới có miễn dịch. 
 
Cần chủ động tiêm ngừa vắc xin nhắc lại cho trẻ trước khi có dịch bệnh xảy ra. Ảnh: Đình Thi
Cần chủ động tiêm ngừa vắc xin nhắc lại cho trẻ trước khi có dịch bệnh xảy ra. Ảnh: Đình Thi
Vì vậy, người dân nên tuân thủ theo đúng lịch tiêm phòng, nếu có điều kiện có thể tiến hành tiêm nhắc lại, cũng như căn cứ theo tình hình dịch tễ tại địa phương để lựa chọn những vắc xin cần tiêm ngừa, chứ không nên vì tâm lý có dịch mà đổ xô đi tiêm. Việc đi tiêm ngừa ồ ạt trong giai đoạn này dễ dẫn đến khâu khám sàng lọc không kỹ, dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là những bệnh lây lan qua đường hô hấp như: bạch hầu, Covid-19… 
 
Bác sĩ Phúc thông tin: “Người dân trên địa bàn tỉnh có độ tuổi từ 4 tuổi trở lên sẽ được tiêm miễn phí vắc xin Td (phòng bệnh bạch hầu). Hiện ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai và rà soát lại trẻ 18 tháng tuổi trở xuống, nếu chưa được tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sẽ được tiêm vét trong đợt này.
 
Đối với những trẻ từ 19 đến 48 tháng tuổi, trước đây chưa được tiêm đủ 4 mũi vắc xin 5 trong 1 thì phải tiêm nhắc lại một mũi vắc xin chứa 3 thành phần bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT); đối với những trẻ từ 4 tuổi trở lên trước đây đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin 5 trong 1 hoặc chưa đầy đủ thì trong lần này cũng phải tiêm nhắc lại 2 mũi vắc xin bạch hầu - uốn ván (Td) cách nhau 1 tháng.
 
Có thể những thông tin này người dân chưa nắm được nên kéo nhau đi tiêm ngừa dịch vụ. Đây là hành động tốt, cho thấy ý thức phòng bệnh, tuy nhiên nếu các bậc phụ huynh chú ý tiêm cho trẻ trước khi có dịch xảy ra thì mới là biện pháp phòng bệnh tốt nhất”.
 
Mỹ Hạnh 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.