Multimedia Đọc Báo in

Cấp bách phòng, chống dịch bệnh bạch hầu

06:41, 19/07/2020

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu tại địa phương, ngành y tế đã cấp bách triển khai các biện pháp phòng, chống.

Bệnh lan rộng tại nhiều địa phương

Tính từ khi phát hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh tại buôn Diêo (xã Bông Krang, huyện Lắk) vào ngày 7-7 đến nay chỉ 10 ngày nhưng số ca bệnh đã tăng nhanh và lan rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, đến chiều ngày 16-7, toàn tỉnh đã ghi nhận 17 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 5 huyện: Lắk, M’Đrắk, Cư M’gar, Krông Bông và Cư Kuin. Trong đó có một số trường hợp trước khi mắc bệnh nhiều ngày liền không đi đâu xa và không tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu. Chẳng hạn như trường hợp của cháu Y K. Knul (SN 2016, ở buôn Bling, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar), trước và trong thời gian mắc bệnh, cháu không đi đâu xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, xung quanh khu vực cháu sinh sống không có trường hợp mắc bệnh tương tự.

Cán bộ y tế điều tra, lấy mẫu xét nghiệm đối với người tiếp xúc gần với ca bệnh tại thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông.
Cán bộ y tế điều tra, lấy mẫu xét nghiệm đối với người tiếp xúc gần với ca bệnh tại thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông.

Mới đây nhất là trường hợp của anh L.H.N. (SN 1976, ở thôn 13, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu vào sáng 16-7. Trước khi khởi bệnh, anh N. không đi đâu xa và cũng không tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Song điều đáng lo ngại là trong những ngày khởi bệnh chưa đi khám tại cơ sở y tế, do không biết bản thân mắc bệnh truyền nhiễm, anh N. vẫn giao lưu, tiếp xúc với nhiều người trong thôn. Đặc biệt, anh N. còn tham gia một buổi tiệc tân gia tại một gia đình cùng thôn với khoảng 300 người có mặt và đi lễ tại nhà thờ.

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu đối với bệnh nhân N., ngành Y tế đã tiến hành khoanh vùng cách ly, phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực thôn 13, xã Dray Bhăng; tổ chức cho người dân uống kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh; thành lập các chốt chặn kiểm soát người ra vào thôn để ngăn chặn tình trạng lây lan mầm bệnh ra bên ngoài. Song việc bệnh nhân tiếp xúc với nhiều người trong quá trình mang bệnh sẽ là một nguy cơ dẫn đến xuất hiện nhiều ca bệnh khác. Trên thực tế, trong quá trình điều tra dịch tễ, sáng 16-7, cán bộ y tế đã phát hiện người tiếp xúc với ca bệnh có dấu hiệu sốt, mệt mỏi và đau họng.

Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn, UBND tỉnh vừa có công văn triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu. Cụ thể, giao ngành Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng; chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt tại các địa bàn đã xuất hiện ca bệnh khẩn trương tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người để triển khai công tác phòng, chống dịch, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vắc xin bạch hầu nói riêng.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm xác định bạch hầu đối với người tiếp xúc gần với ca bệnh tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm xác định bạch hầu đối với người tiếp xúc gần với ca bệnh tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk.

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu: thực hiện giám sát, rà soát kỹ tất cả các trường hợp có biểu hiện viêm họng và tăng cường giám sát ca bệnh nghi ngờ ở các xã vùng sâu vùng xa, khi phát hiện ca bệnh lập tức khoanh vùng, cách ly các khu vực đó; lập các chốt chặn cách ly để người dân ở khu vực có ca bệnh không di chuyển đến các địa phương khác; dùng kháng sinh dự phòng Erythromycine cho người dân ở khu vực xung quanh ca bệnh; tiến hành vệ sinh môi trường, sử dụng hóa chất để phun khử khuẩn tại các hộ gia đình. Ngành cũng yêu cầu cán bộ chủ chốt và toàn thể nhân viên hạn chế nghỉ phép (trừ trường hợp thật cần thiết) để ưu tiên dồn toàn bộ nguồn lực cho công tác dập dịch.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có tốc độ lây lan cao, từ một ca ban đầu nếu không kiểm soát có thể lây lan cho 7 trường hợp khác. Một biến chứng rất nguy hiểm của bạch hầu đó là vi khuẩn có thể sinh độc tố và gây viêm cơ tim dẫn đến tử vong. Do đó, để khống chế được dịch bệnh này một cách bền vững, về lâu dài bắt buộc người dân phải thực hiện biện pháp tiêm chủng những loại vắc xin có phòng bệnh bạch hầu. Hiện nay, vắc xin chứa bạch hầu có trong vắc xin 5 trong 1 tiêm cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Trong tình hình tỉnh ta đang có dịch bạch hầu, ngành Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh có con từ 18 tháng tuổi trở xuống phải tiêm đầy đủ 4 mũi vắc xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với những trẻ từ 19 đến 48 tháng tuổi, trước đây chưa được tiêm đủ 4 mũi vắc xin 5 trong 1 thì phải tiêm nhắc lại một mũi vắc xin chứa 3 thành phần bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT). Đối với những trẻ từ 4 tuổi trở lên trước đây đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin 5 trong 1 hoặc chưa đầy đủ thì trong lần này cũng phải tiêm nhắc lại 2 mũi vắc xin bạch hầu - uốn ván (Td) cách nhau 1 tháng.

Vi khuẩn bạch hầu có thể sống được đến 6 tháng trên bề mặt quần áo, vật dụng, đồ dùng trong nhà trong môi trường ẩm, thiếu ánh sáng. Do đó, cùng với việc tiêm vắc xin phòng bệnh, người dân cần phải thực hiện vệ sinh cá nhân như: vệ sinh răng miệng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, tất cả quần áo, chăn màn… phải được giặt, phơi ngoài trời, vì dưới ánh nắng mặt trời, vi khuẩn có thể bị tiêu diệt sau vài giờ.

Bộ Y tế đã có quyết định triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, toàn bộ người dân từ 4 tuổi trở lên trên địa bàn 4 tỉnh sẽ được tiêm vắc xin chứa 2 thành phần bạch hầu - uốn ván (Td) miễn phí. Tại tỉnh ta, việc tiêm chủng sẽ được thực hiện theo lộ trình, bắt đầu từ tiêm cho tất cả người dân ở các xã đang có dịch và toàn bộ cán bộ y tế trong ngành Y; tiếp đến sẽ tiêm ở các xã được đánh giá là vùng lõm về tiêm chủng; sau đó là tiêm cho tất cả người dân trong tỉnh.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.