Tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B ở trẻ sơ sinh vẫn còn thấp
Trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh ở nước ta mới chỉ đạt 68%. Con số này tiếp tục là mối lo và cũng là vấn đề cần phải được ưu tiên thực hiện trong năm 2017 của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết, cả nước vẫn còn 550.000 trẻ chưa được tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh, khoảng 62.000 trẻ chưa được tiêm đủ 3 liều vaccine DPT-VGB-Hib (khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi).
Theo WHO, bệnh viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan. Khoảng 25% bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan B sẽ diễn tiến biến chứng xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị. 100% ung thư gan ở trẻ em là do viêm gan B. Đặc biệt, có tới 80-90% trẻ bị nhiễm vi rút viêm gan B trong thời gian 1 năm đầu đời và 30-50% trẻ bị nhiễm vi rút viêm gan B trước 6 tuổi sẽ có viêm gan mạn tính sau này.
Ảnh minh họa |
Vi rút viêm gan B chủ yếu lây qua đường máu, lây từ mẹ sang con trong khi sinh hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm vi rút viêm gan B. Người nhiễm vi rút viêm gan B ở độ tuổi càng trẻ thì nguy cơ viêm gan mạn tính hoặc ung thư gan càng cao. Việc điều trị cho người viêm gan cũng rất tốn kém. Các chuyên gia ước tính, trung bình người nhiễm vi rút viêm gan B phải tiêu tốn khoảng 60-200 triệu đồng tiền thuốc mỗi năm và thời gian điều trị kéo dài.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào đối với bệnh viêm gan B, vì vậy, tiêm phòng vắc xin viêm gan B được xem là biện pháp hữu hiệu nhất phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này. Trong đó, mũi tiêm phòng vắc xin viêm gan B tốt nhất là trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, vì đây là thời điểm “vàng” với tỉ lệ phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang đạt tới 80-85%.
Nếu trẻ tiêm vaccine viêm gan B muộn sau khi sinh thì việc phòng tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ bị giảm. Cụ thể, tiêm vắc xin 7 ngày sau khi sinh, khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50-57%.
Kim Oanh (nguồn chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc