Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn hiệu quả là thương hiệu để phát triển

16:29, 26/10/2021

Giữa tháng 9-2021, Kon Hà Nừng (thuộc tỉnh Gia Lai) và Núi Chúa (thuộc tỉnh Ninh Thuận) đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG).

Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 11 Khu DTSQTG và tự hào là quốc gia có số lượng Khu DTSQTG nhiều thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Khu DTSQTG theo định nghĩa của UNESCO là những khu vực “hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn đa dạng sinh học; việc phát triển bền vững của khu vực có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận”.

Ngoài Kon Hà Nừng và Núi Chúa, các Khu DTSQTG còn lại của nước ta đã được công nhận lần lượt kể từ năm 2000 trở lại đây là: Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh, năm 2000), Vườn Quốc gia Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng, năm 2002), Vườn Quốc gia Cát Bà (TP. Hải Phòng, năm 2004), Châu thổ sông Hồng (thuộc 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, năm 2004), Ven biển và biển đảo Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang, năm 2006), Miền tây Nghệ An (tỉnh Nghệ An, năm 2007), Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau, năm 2009), Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam, năm 2009), Lang Biang (tỉnh Lâm Đồng, năm 2015).

Trong số các Khu DTSQTG này, Tây Nguyên đã có đến 3 đại diện và đều là hệ sinh thái rừng, đó là Kon Hà Nừng, Lang Biang và Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Có thể nói, nếu địa phương hay quốc gia nơi mình sinh sống mà có một Khu DTSQTG thì rất đáng để tự hào với bè bạn, vì đó là một thương hiệu “hái ra tiền” mà nhiều nước đã làm được và làm rất tốt, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Tự hào nữa khi nhìn vào đó sẽ thấy mức độ của dân cư và chính quyền sở tại đối xử với tự nhiên, với môi trường sống. Vì nếu chính quyền không quan tâm đến công tác gìn giữ môi trường sống thì làm gì có chuyện hệ sinh thái được bảo tồn; nhưng kể cả khi chính quyền quyết tâm mà dân chúng không ủng hộ, không hợp tác thì cũng khó có hệ sinh thái nào được bảo tồn đúng nghĩa.

Mà không phải Khu DTSQTG tồn tại ở đâu thì chỉ dân cư và chính quyền sở tại mới quan tâm đến công tác gìn giữ môi trường sống, thực ra đó còn là vấn đề của cả vùng, trong phạm vi ảnh hưởng của nó.

Chẳng hạn như nói Kon Hà Nừng, Lang Biang và Vườn Quốc gia Cát Tiên thì không chỉ nói riêng Lâm Đồng hay Gia Lai mà là nói đến cả vùng Tây Nguyên, rộng hơn nữa là miền Trung Việt Nam và lớn hơn nữa là cả nước Việt Nam.

Vì sao vậy? Vì để một hệ sinh thái cụ thể được bảo tồn thì cần đến nhiều mối liên hệ khác nhau. Chẳng hạn như những chủ trương, cơ chế, chính sách từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan ban hành, là sự phối hợp trong các hoạt động kinh tế - xã hội, dân cư, tập quán… giữa các địa phương trong vùng.

Cây gỗ pơ mu đang được bảo vệ nghiêm ngặt tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Ảnh: Vạn Tiếp

Vùng Tây Nguyên còn rất nhiều hệ sinh thái khác với các tiêu chí cần và đủ để trở thành Khu DTSQTG, lâu nay vẫn được quan tâm bảo tồn và cũng rất có giá trị. Như Đắk Lắk và Đắk Nông chẳng hạn, tuy hai tỉnh này không sở hữu Khu DTSQTG nào trong danh sách 11 khu đã được UNESCO công nhận ở Việt Nam, nhưng lại chung nhau sở hữu Vườn Quốc gia Yok Đôn là một trong 10 vườn quốc gia được đánh giá hấp dẫn nhất Việt Nam.

Đây là nơi duy nhất của cả nước hiện còn có rừng khộp và lưu giữ một số diện tích rừng khộp nguyên sinh, với diện tích rừng khộp lên đến 102.105 ha (chiếm 88% diện tích Vườn); là nơi còn lưu giữ một số diện tích rừng khộp nguyên sinh có rừng đặc dụng lớn nhất nước và cũng là nơi sinh sống của một số loài voi và báo hoa mai hoang dã cuối cùng còn sót lại trong cả nước…

Xét cho cùng thì việc có hay không các Khu DTSQTG không quan trọng bằng việc con người thực sự đối xử với môi trường tự nhiên thế nào. Không ít nơi trên thế giới từng được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều đặc ân nhưng vì không biết trân trọng, gìn giữ, mà rốt cuộc có cũng như không, thậm chí phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng qua các thảm họa, bão lũ, sạt lở.

GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam - Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, là người đã có công lớn trong việc đưa Việt Nam vào danh sách bản đồ sinh quyển thế giới.

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Việt Nam có thêm 2 Khu DTSQTG là Kon Hà Nừng và Núi Chúa, ông cho biết hầu hết các khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển là nằm ở các khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao. Do vậy, việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn.

Ở nước ta, còn có tình trạng thiếu khuôn khổ chung để thực hiện các giải pháp tích hợp trong phát triển bền vững; việc tổ chức và điều phối sự tham gia của các bên liên quan tại các khu dự trữ sinh quyển còn chưa hiệu quả; năng lực về lập kế hoạch, quy hoạch trên cơ sở tiếp cận cảnh quan chưa hiệu quả.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức lấy ý kiến xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, ông đề nghị thực hiện tốt phương châm “bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn” trong tất cả các khu dự trữ sinh quyển đã được công nhận cũng như chưa được công nhận. “Bởi vì chúng ta không thể dừng phát triển để bảo tồn, cũng như dừng bảo tồn cho phát triển, do đó cần phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn. Nơi nào bảo tồn danh tiếng, hiệu quả thì đó chính là thương hiệu để phát triển kinh tế” - GS-TS Nguyễn Hoàng Trí nhấn mạnh.

Lương Duy Cường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.