Multimedia Đọc Báo in

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế?”(*)  

08:38, 22/05/2023

Mỗi lần đọc lại câu chuyện xảy ra cách đây hơn 60 năm, lòng tôi vẫn không nén được cảm xúc dâng trào, rưng rưng…

Chuyện xảy ra vào tối 30 Tết Nhâm Dần năm 1962. Hà Nội chìm trong mưa bụi và giá lạnh đến tê tái. Trong cái đêm tĩnh mịch chuyển giao năm cũ sang năm mới ấy, có một cụ già không quản ngại cái rét như cắt da, cắt thịt để đến thăm một gia đình được cho là nghèo nhất ở Hà Nội. Cụ già ấy là Hồ Chí Minh - vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn gia đình người lao động nghèo có hoàn cảnh rất khó khăn được Chủ tịch nước chọn đến thăm và chúc Tết là gia đình chị Nguyễn Thị Tín, chồng mất sớm, một mình nuôi bốn đứa con thơ dại; sắp đến giao thừa rồi mà chị vẫn còn phải tranh thủ gánh vài gánh nước để kiếm thêm tiền mua quà Tết cho con.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Khi trông thấy các vị khách đặc biệt đến thăm nhà, chị Tín bàng hoàng buông rơi đôi quang gánh, chạy tới, quỳ xuống, ôm choàng lấy chân vị lãnh tụ rồi khóc nấc lên: “Trời, sao Bác lại đến thăm nhà cháu?”. Bác Hồ rưng nước mắt: “Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai!”. Mọi người xúc động, lặng im. Câu nói của Bác ngay lập tức xóa đi khoảng cách giữa vị Chủ tịch nước với người dân. Bởi nó xuất phát từ trong sâu thẳm lòng nhân ái mênh mông của Người, từ nỗi trăn trở khôn nguôi của vị Chủ tịch nước ngay từ những ngày đầu dựng nên chế độ dân chủ cộng hòa: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”. Trái tim lãnh tụ “Ôm cả non sông, mọi kiếp người”(*): “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

Sau khi ở nhà chị Tín về, trước sự có mặt đông đủ của các vị trong Bộ Chính trị đến chúc Tết và cùng đón giao thừa, Bác nói với mọi người: “Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay tại thủ đô đất nước mình. Tôi biết không chỉ có một nhà như chị Tín đâu, người nghèo còn nhiều. Một đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Ðảng với nhân dân...”.

Trong cuốn “Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ” (Nxb Văn học, Hà Nội, 1973), Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã viết: “lòng Hồ Chủ tịch rộng như biển cả, bao dung, cảm hóa tất cả mọi người”, và ông khẳng định “Tình nhân đạo, tình thương đồng bào, đó là điều sâu sắc và tốt đẹp nhất trong con người Hồ Chủ tịch”.

Tình thương đó của Người kết tinh từ tinh thần nhân đạo của dân tộc, từ truyền thống nhân văn của ông cha và được hun đúc bởi ba mươi năm bôn ba hải ngoại, tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, kiếp sống ngựa trâu của những người nô lệ, những người lao động nghèo khổ trên khắp thế giới.

Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, trọn đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. “Đó là cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” (Phạm Văn Đồng).

(*) Thơ Tố Hữu

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc