Multimedia Đọc Báo in

Dừng mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam: Khắc phục những bất cập từ thực tiễn (Kỳ 2)

08:14, 25/11/2022

Kỳ 2: Chủ động sắp xếp phù hợp tình hình địa phương

Ghi nhận những hạn chế, vướng mắc khi thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18, tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã giao ban thường vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình địa phương và yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để chủ động quyết định thực hiện mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện.

Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn

Tại hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm mô hình do Tỉnh ủy tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, 11/11 huyện, thị xã có trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam đều thống nhất đề nghị dừng mô hình. Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Hiển cho rằng, đặc thù về vị trí địa lý cũng như sự đa dạng về thành phần dân tộc, tôn giáo ở Đắk Lắk đòi hỏi sự vào cuộc ngày càng sâu rộng hơn, liên tục hơn và phải có sự song hành của cả hai mặt công tác dân vận và Mặt trận. Do đó, việc dừng thực hiện mô hình ở cấp huyện để làm “dày” hơn về công tác cán bộ cũng như về cơ chế thực hiện trong thời điểm này là hợp lý và cần thiết.

Tuy nhiên, đa số các địa phương đã thực hiện mô hình từ năm 2018 và đã điều chỉnh cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Do đó, đối với các huyện, thị xã chỉ có 11 ủy viên ban thường vụ, việc bố trí cán bộ ở cả hai chức danh trưởng ban dân vận và chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam đều phải đảm bảo cơ cấu “cứng” là ủy viên ban thường vụ trước mắt sẽ khó khăn, buộc phải có sự cân nhắc trong việc điều động, luân chuyển cán bộ phù hợp theo tình hình thực tế của từng địa phương. Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy H’Kim Hoa Byă, một quyết sách phù hợp trong thời điểm này sẽ là tiền đề quan trọng để kiện toàn bộ máy ủy ban MTTQ Việt Nam từ cấp huyện đến cấp xã, chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức cũng như công tác nhân sự của Đại hội Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 – 2029 sắp tới.

Đại diện Huyện ủy Krông Ana thăm hỏi, nắm bắt tình hình của cơ sở tôn giáo trên địa bàn.

Trước tình hình trên, đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các huyện ủy, thị ủy cần chủ động thực hiện phân công lại theo cơ cấu nhân sự đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, nếu không đảm bảo số lượng ủy viên ban thường vụ theo yêu cầu, có thể tiếp tục duy trì mô hình ít nhất là cho đến hết nhiệm kỳ 2019 – 2024 của ủy ban MTTQ Việt Nam. Trong thời gian duy trì mô hình, cần sớm đề xuất giải pháp giải quyết những bất cập, có những chính sách đãi ngộ, đánh giá phù hợp để động viên cán bộ hoàn thành tốt cả hai vai trò, trọng trách.

Phẩm chất, năng lực cán bộ phải ngang tầm nhiệm vụ

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm mô hình, cán bộ đảm nhiệm đồng thời hai chức danh ở một số địa phương chưa đủ năng lực, trình độ, kỹ năng, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ người đứng đầu cả hai cơ quan, dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác quản lý, điều hành. Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra công tác cán bộ trong điều kiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, cho nên điều kiện tiên quyết là phải xây dựng chiến lược dài hơi từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến lựa chọn và bố trí đúng người, đúng việc.

Cũng từ quá trình triển khai thí điểm mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam tại địa phương, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến cho rằng, việc phân công, bố trí thêm việc, thêm nhiệm vụ cho cán bộ phải bảo đảm cơ chế đãi ngộ, đánh giá, khen thưởng phù hợp để động viên cán bộ nỗ lực hết mình vì mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Đây là bài học thực tiễn quan trọng trong việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy nói chung chứ không chỉ riêng trong khối dân vận – Mặt trận. Với tầm nhìn về nhân lực trong điều kiện bộ máy ngày một tinh gọn, con người ngày càng tinh giản khi đầu việc có xu hướng tăng lên, huyện Krông Pắc đã xây dựng quy hoạch cho hai nhiệm kỳ tiếp theo ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 với mục tiêu cao nhất là tìm ra được những cán bộ có uy tín, năng lực, phẩm chất đáp ứng với yêu cầu của vị trí được quy hoạch. Huyện cũng đã ban hành đề án về nâng cao chất lượng cán bộ quản lý cấp huyện, làm cơ sở để có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê, công tác quy hoạch cán bộ cần đi vào thực chất, để cán bộ khi được giao nhiều trọng trách phải có năng lực tốt, có uy tín cao, biết quy tụ sức mạnh của tập thể trong thực hiện mọi nhiệm vụ chung, tránh quy hoạch cho có, quy hoạch lấp đầy khoảng trống cho đủ theo quy định.

Trước những bất cập trong quá trình thực hiện thí điểm ở các địa phương, ngày 8/11/2022, Tỉnh ủy đã ban hành thông báo Kết luận số 1412-TB/TU, quyết định dừng thực hiện thí điểm mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam, yêu cầu các huyện, thị xã sắp xếp lại theo mô hình chung của hệ thống chính trị.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.