Multimedia Đọc Báo in

Kết nghĩa buôn làng: Vững vàng khối đại đoàn kết (kỳ 2)

07:42, 31/08/2021

Kỳ 2: Trên hành trình kiến tạo cuộc sống mới

Với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, công tác kết nghĩa của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. 

“Khoác áo mới” cho buôn làng

Là buôn căn cứ cách mạng, trải qua sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) hôm nay đã trở mình “thay da, đổi thịt”. Toàn buôn đã có 95% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, 100% trẻ em được đến trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, giữ vững danh hiệu Buôn Văn hóa từ năm 2014 đến nay. Dấu ấn đổi mới của buôn làng hôm nay có sự đóng góp tích cực của những ngày bám buôn, bám địa bàn của các cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy từ năm 2002 đến nay.

Ông Y Wơn Bkrông, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cho biết, trong suốt những năm tháng “kết nghĩa anh em”, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng quà, động viên người dân trong các ngày lễ lớn. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng kế hoạch, hỗ trợ cây, con giống phù hợp để giúp người dân chuyển đổi mô hình kinh tế sao cho hiệu quả và phù hợp với thực tế. Để giúp người dân ổn định cuộc sống, Văn phòng Tỉnh ủy đã vận động cán bộ, công chức đóng góp và kết hợp sự hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh để triển khai xây dựng 3 nhà Đại đoàn kết tặng các hộ nghèo của buôn.

Cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tặng quà cho buôn Huk A, xã Cư M'gar (huyện Cư M'gar) trong Chiến dịch Kỳ nghỉ hồng năm 2020. Ảnh: Hồng Chuyên

Song song với việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con tuân thủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng xây dựng, kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến nay, buôn đã thành lập được một chi bộ với 22 đảng viên trong đó 100% là người M’nông. Các đảng viên luôn phát huy tinh thần gương mẫu trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, phong trào thi đua tại địa phương. Nhiều năm liền Chi bộ buôn Đắk Tuôr đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

“Việc đổi mới công tác kết nghĩa là phải làm sao để góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết ngay tại địa phương, cơ sở và địa bàn dân cư”.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn.

Xác định công tác kết nghĩa không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là tình cảm gắn bó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để giúp đỡ, hỗ trợ người dân buôn Huk A, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar). Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chú trọng thực hiện đó là thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể buôn Huk A trong việc kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Từ một địa bàn “trắng” về tổ chức đảng, đến nay buôn Huk A đã có 1 chi bộ với 8 đảng viên; các tổ chức, đoàn thể đi vào hoạt động có nền nếp. Bên cạnh thi đua phát triển kinh tế gia đình, xây dựng buôn làng giàu đẹp, đồng bào buôn Huk A giờ đây đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan...

Ông Y Mũn Niê, Trưởng buôn Huk A hồ hởi, nếu trước đây đời sống của người dân trong buôn gặp nhiều khó khăn, thì giờ đây buôn Huk A đã trở mình khởi sắc, đường sá được bê tông hóa sạch đẹp, rẫy nương được phủ xanh bởi cà phê, hồ tiêu, đời sống người dân ngày càng ổn định. Những đổi thay ấy có được một phần là nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh – những người “anh em kết nghĩa” của buôn làng.

Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài

Tính đến hết tháng 11-2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 159 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh kết nghĩa với 165 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); 1.305 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cấp huyện kết nghĩa với 593/608 buôn (đạt 97,2%); 741 xã, phường, tổ dân phố vùng người Kinh kết nghĩa với 607 buôn; 1.182 Ban công tác Mặt trận, các hội, tổ chức đoàn thể người Kinh kết nghĩa với 835 Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể DTTS; 1.323 gia đình người Kinh kết nghĩa với 1.323 hộ DTTS.

Cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân buôn Huk A, xã Cư M'gar (huyện Cư M'gar). Ảnh: Hồng Chuyên

Với sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực từ các đơn vị kết nghĩa, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể. Đồng bào DTTS ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe và làm theo lời kẻ xấu kích động và xúi giục, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội tại địa phương cơ sở.

Để công tác kết nghĩa đi vào chiều sâu, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, xem công tác kết nghĩa là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài.

Đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, để tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thực hiện công tác kết nghĩa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay phải gắn công tác kết nghĩa với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tăng cường mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có buôn kết nghĩa để nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, đời sống của người dân; từ đó đề ra những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lê Hương - Quỳnh Anh - Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.