Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2020)

Phong trào công nhân đồn điền trong đấu tranh giành chính quyền tại Đắk Lắk

09:56, 19/08/2020

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền tại Đắk Lắk (1930 - 1945), phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ, trong đó đội ngũ công nhân đồn điền với tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, triệt để đã trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk do Đảng lãnh đạo.

Ngày 22-11-1904, theo Nghị định toàn quyền Đông Dương, tỉnh Đắk Lắk chính thức được thành lập. Cùng với việc chính quyền thực dân Pháp thành lập các đồn điền nhằm bóc lột, vơ vét tài nguyên, đội ngũ công nhân đồn điền tại Đắk Lắk xuất hiện.

Trước năm 1923, trong số các đồn điền được thành lập tại Đắk Lắk có hai đồn điền lớn là CADA (Compagnie Agricole D’Asie) và CHPI (Compagnie des Haut Plateaux Indochinois) với tổng diện tích trên 30.000 ha đất bazan màu mỡ trải dọc theo Quốc lộ 14 và 26.

Từ năm 1923 trở đi, các đồn điền liên tục được thành lập. Riêng năm 1926, “có thêm 26 lá đơn xin thành lập đồn điền ở Đắk Lắk với diện tích khai thác là 200.000 ha”(1).

Những đồn điền này nằm dọc Quốc lộ 14 và 26 như: Ô-giê, Méc-cu-ri-ô, Vơ-réc-ken, May-ô, Rô-si… Trong các đồn điền, công nhân người dân tộc thiểu số chiếm đa số, còn lại là đồng bào ở các tỉnh khác đến do chính sách mộ phu của thực dân Pháp. Lực lượng công nhân đồn điền tại Đắk Lắk gia tăng cùng với quá trình xây dựng mới các đồn điền, năm 1926 “có khoảng 1.000 công nhân, nhưng đến năm 1932 riêng tại đồn điền CADA đã có gần 1.000 công nhân”(2).

Đồn điền CADA - nơi thành lập Chính quyền cơ sở đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám tại Đắk Lắk.   Ảnh tư liệu
Đồn điền CADA - nơi thành lập Chính quyền cơ sở đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám tại Đắk Lắk. (Ảnh tư liệu)

Đời sống công nhân trong các đồn điền bị áp bức, bóc lột nặng nề. Trước 1930, phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền mang tính tự phát cao, chủ yếu tập trung vào việc hưởng ứng các phong trào yêu nước, phản đối hành động cướp đất, bắt phu, phá hoại cây cối, dụng cụ, giết trâu bò… Năm 1927, lần đầu tiên xuất hiện cuộc đấu tranh mang tính độc lập cao tại đồn điền May-ô chống lại việc cúp xén lương và coi thường công nhân người dân tộc thiểu số. Trong cuộc đấu tranh này, công nhân đồn điền May-ô đã được đồng bào buôn Alê cùng đứng lên hưởng ứng. Kết quả, chủ đồn điền May-ô “buộc phải nhượng bộ, nhận lỗi và hứa trả lương đầy đủ cho công nhân”(3).

Thắng lợi bước đầu của công nhân đồn điền May-ô có tác động tích cực, sức lan tỏa mạnh mẽ tới công nhân các đồn điền khác trong cuộc đấu tranh chống lại bọn thầu khoán, cai ký, giới chủ. “Nó cũng thể hiện, ngay từ rất sớm, ở Đắk Lắk phong trào công nhân đồn điền đã diễn ra khá sôi nổi, mạnh mẽ với bản chất năng động và cách mạng của người công nhân, mặc dù ở đây chưa có tổ chức đảng lãnh đạo”(4).

Những năm 1930 - 1935, có các cuộc đấu tranh của công nhân cạo mủ đồn điền CHPI (1933) sau nhiều lần đòi cải thiện tiền lương, chống cúp lương, phạt vạ vô lý, không được giải quyết. Cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi, tên cai hứa trả lương đầy đủ, đúng hạn, không cúp phạt. Từ đó bọn cai ký, đốc công, chủ sở không dám coi thường công nhân người Êđê. Kinh nghiệm đấu tranh của công nhân đồn điền CHPI được lan truyền mạnh mẽ tới các đồn điền khác.  Cũng trong thời gian này còn diễn ra cuộc đấu tranh quan trọng của công nhân đồn điền Rô-si. Công nhân đồn điền Rô-si đã đình công, đưa yêu sách tới bọn chủ, đập phá nhà cửa, đồng thời cùng nhân dân trong vùng bao vây nhà chủ đồn điền, cuộc đấu tranh kéo dài suốt một tuần lễ làm tê liệt mọi hoạt động của đồn điền. Kết quả, chủ đồn điền phải chấp nhận yêu sách của công nhân và trả lương kịp thời.

Những năm 1936 – 1939, phong trào công nhân đồn điền ở Đắk Lắk tập trung vào đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống kéo dài thời gian lao động, chống phân biệt đối xử, chống cúp phạt… và hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào đấu tranh của công chức, học sinh đòi dân sinh, dân chủ, chống bọn phản động và tay sai, phản đối chế độ lao tù hà khắc, ủng hộ tù chính trị bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong giai đoạn này, phong trào công nhân đồn điền đã chịu ảnh hưởng bởi những hoạt động đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột và của phong trào cách mạng chung của cả nước.

Tháng 2-1940, công nhân đồn điền CADA vào giữa mùa thu hoạch cà phê đã đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống, cải thiện điều kiện chữa bệnh… bằng hình thức đình công quy mô lớn, liên tục diễn ra trong vòng 10 ngày, “đồng thời viết đơn tố cáo gửi lên công sứ Buôn Ma Thuột, Tòa Khâm sứ Trung kỳ và Bộ Kinh tế Nam triều”(5).

Cuộc đấu tranh này gây tiếng vang lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, công sứ Buôn Ma Thuột phải theo lệnh cấp trên xuống tận đồn điền CADA gặp gỡ công nhân và hứa giải quyết các yêu sách của công nhân đưa ra. Thắng lợi của công nhân đồn điền CADA đã ảnh hưởng tích cực tới phong trào công nhân trong các đồn điền tại Đắk Lắk dọc Quốc lộ 14, 26, nhất là các đồn điền lớn như CHPI, Mê Wal. Phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền tại Đắk Lắk vẫn diễn ra hết sức mạnh mẽ, liên tục, rộng khắp trong các  năm tiếp theo. Năm 1942, diễn ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của công nhân đồn điền cây số 3 đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống làm chủ đồn điền, cai ký, thầu khoán hết sức lúng túng.

Trong Nhà đày Buôn Ma Thuột, Chi bộ Đảng đầu tiên tại Đắk Lắk được thành lập (23-11-1940) đánh dấu bước ngoặt lớn đối với phong trào cách mạng ở Đắk Lắk và chính những người tù cộng sản đã vun trồng ươm mầm cách mạng trong phong trào công nhân đồn điền. Sự phát triển của phong trào công nhân đồn điền tại Đắk Lắk từ khi chưa có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức đảng đến khi tổ chức đảng được thành lập tại Đắk Lắk và thâm nhập vào phong trào công nhân đồn điền đã đẩy phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền phát triển cả về số lượng và chất lượng. Khi thời cơ cách mạng tới, lực lượng công nhân đồn điền do Đảng lãnh đạo đã nắm bắt thời cơ giành chính quyền ở cơ sở của mình và trở thành đội ngũ đi đầu, làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại Đắk Lắk.

ThS.Vũ Văn Bắc (Trường Chính trị Đắk Lắk)

 

(1) Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Đắk Lắk, Nxb Lao động, HN 1997, tr.35.

(2) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, Lịch sử đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 - 1954, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2002, tr.31.

(3) Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Đắk Lắk, Nxb Lao động, HN 1997, tr.53.

(4)Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930-1954, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2002, tr.60.

(5) Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Đắk Lắk, Nxb Lao động, HN 1997, tr.62

Đồn điền CADA - nơi thành lập Chính quyền cơ sở đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám tại Đắk Lắk.   Ảnh tư liệu

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.