Multimedia Đọc Báo in

Thi đua yêu nước - Động lực thúc đẩy phát triển

08:39, 26/06/2020

Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 09-10-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của tỉnh cùng các chỉ thị của Trung ương, của UBND tỉnh về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thời gian qua, huyện Cư M’gar đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua trong các cấp, các ngành, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong quá trình chỉ đạo, các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương đã tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của đơn vị để phát động thi đua, nhằm góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đã đề ra, kết hợp giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa xã hội; nội dung phong trào thi đua yêu nước đã có tác động tích cực đến cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch vững mạnh, đẩy lùi tệ nạn quan liêu, tham nhũng, góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường (bìa trái), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đồng chí Bùi Văn Cường (thứ 2 từ trái sang), Ủy viên Trung ương Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy tham quan mô hình cà phê ứng dụng công nghệ cao tại thôn 7, xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar). Ảnh: Hoàng Gia
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường (bìa trái), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đồng chí Bùi Văn Cường (thứ 2 từ trái sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tham quan mô hình cà phê ứng dụng công nghệ cao tại thôn 7, xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar). Ảnh: Hoàng Gia

 Với tinh thần “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua”, các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn huyện đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua khắc phục khó khăn, vươn lên thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị.

Các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, mang lại kết quả thiết thực. Điển hình như các phong trào: “Thi đua xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững và hiệu quả”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", "Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "Thanh niên nông thôn sản xuất kinh doanh giỏi”; Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; “Cán bộ công chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; “Xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa”...

Hằng năm, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo đã vận động được 18.820 hộ đăng ký và đã có 9.530 hộ đạt chuẩn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 04 hộ đạt cấp Trung ương, 1.437 hộ đạt chuẩn cấp tỉnh, 3.225 hộ đạt chuẩn cấp huyện, 4.864 hộ đạt chuẩn cấp xã.

Hưởng ứng các phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”..., đến nay, trên địa bàn huyện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã chuẩn nông thôn mới nâng cao; với 270/285 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 94,73%, bình quân đạt 18 tiêu chí/xã.

Phong trào thi đua trong các lĩnh vực phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, tài chính - ngân hàng, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể… cũng đã có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả tích cực. Các phong trào thi đua trên lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên.

          Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar Trương Văn Chỉ (bìa phải)  tham quan  mô hình  trồng dưa lưới công nghệ cao trên địa bàn.   Ảnh: Hồng Chuyên
Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar Trương Văn Chỉ (bìa phải) tham quan mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trên địa bàn. Ảnh: Hồng Chuyên

Các phong trào thi đua sôi nổi, diễn ra rộng khắp và mang lại hiệu quả thiết thực đã tạo nên động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tốc độ giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 10,21%/năm. Trong đó, giá trị nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4,73%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,73%; thương mại - dịch vụ tăng 16,78%. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 13.530 tỷ đồng, tăng 1,62 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,76%/năm, đến cuối năm 2019, số hộ nghèo còn 1.601 hộ, chiếm 3,82%. Những thành tựu đó đã góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, động viên, khuyến khích tinh thần hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện.

Các phong trào thi đua không chỉ giúp cho kinh tế của huyện phát triển một cách toàn diện với nhịp độ tăng trưởng ổn định mà còn góp phần rất lớn động viên cán bộ và nhân dân ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII đề ra.

Thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020, huyện Cư M’gar đã xét công nhận 1.367 sáng kiến kinh nghiệm; công nhận 12.397 lao động tiên tiến, 1.782 danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 414 tập thể lao động tiên tiến; khen thưởng cho 1.542 tập thể và 3.128 cá nhân; đề nghị tỉnh, Trung ương khen thưởng cho nhiều tập thể, cá nhân.

 

    Trương Văn Chỉ

(Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.