Multimedia Đọc Báo in

Tư tưởng Lênin về thực hiện dân chủ trong Đảng

10:15, 05/05/2012

Một trong những cống hiến to lớn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn lâu dài của Lênin đối với giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ là hệ thống lý luận phong phú của Người về dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Trong đó, Người bàn đến khá nhiều về dân chủ và phát huy dân chủ trong Đảng. Lênin cho rằng, Đảng vô sản không chỉ là người chiến sĩ tiên phong đấu tranh cho nền dân chủ, tập hợp đoàn kết tất cả những lực lượng dân chủ để tấn công kẻ thù chung mà trước hết Đảng phải thực hành chế độ dân chủ ngay trong tổ chức bộ máy của mình. Để lãnh đạo xây dựng và thực hiện nền dân chủ XHCN trên thực tế, Đảng Cộng sản lãnh đạo phải gương mẫu thực hành dân chủ, thực sự là đầu tàu trong sự nghiệp vĩ đại này.

Có thể bước đầu khái quát tư tưởng Lênin về thực hiện dân chủ trong Đảng Cộng sản trên một số nội dung sau:

V.I. Lênin, lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.
V.I. Lênin, lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.

Thứ nhất, thực hiện dân chủ trong xây dựng đường lối chính trị, nghị quyết của Đảng bằng nhiều hình thức khác nhau. Đảng viên có thể trực tiếp góp ý từ cơ sở, hoặc góp ý trong các kỳ đại hội Đảng. Lênin viết: “Sự tham gia tích cực của tất cả các đảng viên trong việc thảo và chuẩn bị các báo cáo và nghị quyết về các vấn đề quan trọng này và khác …là tuyệt đối cần thiết cho đại hội thành công”(1).

Thứ hai, thực hiện dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt Đảng đòi hỏi phải công khai mọi vấn đề trong Đảng để đảng viên biết, trên cơ sở đó tự do bàn bạc, thảo luận để đi đến thống nhất về nhận thức, tư tưởng, quan điểm. Bằng không, sự thống nhất của chúng ta chỉ là một điều hư ảo. Lênin chỉ rõ: “Mọi vấn đề phải được đưa ra thảo luận trong những hội nghị rộng rãi, chứ không phải là thảo luận trong các cơ quan lãnh đạo nhỏ hẹp, trong các cuộc họp nhỏ bé, trong nội bộ một đoàn thể nào đó”(2) và “giai cấp vô sản không chấp nhận sự thống nhất hành động nếu không có tự do thảo luận, phê bình”(3).

Thứ ba, thực hiện dân chủ trong Đảng thể hiện ở chỗ việc hình thành các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải thông qua bầu cử dân chủ trong Đảng; hệ thống các cơ quan lãnh đạo phải được bầu từ dưới lên trên; bảo đảm thực hiện quyền bãi miễn các chức vụ do bầu cử lập ra và quyền quyết định tối cao là quyền của Đại hội Đảng. Lênin viết: “Tất cả những người có trách nhiệm trong Đảng, tất cả các ban lãnh đạo của Đảng, tất cả các cơ quan của Đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn”(4).

Thứ tư, dân chủ trong Đảng không phải là dân chủ tự do một cách tùy tiện, vô chính phủ, vô nguyên tắc mà từ trong bản chất của nó, dân chủ trong Đảng bao hàm yếu tố tập trung, thống nhất. Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, hoạt động của Đảng Cộng sản. Nội dung nguyên tắc này là: thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội Đảng…

Thứ năm, thực hiện dân chủ trong Đảng, một mặt phải đẩy mạnh việc tự phê bình, phê bình đúng sự thật với tinh thần xây dựng; mặt khác, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, thường xuyên thanh Đảng để đưa ra khỏi Đảng tất cả những cá nhân gian giảo, nhu nhược, ăn cắp, quan liêu, thiếu năng lực và xa rời quần chúng, hư hỏng, thoái hóa biến chất… V.I.Lênin từng chỉ rõ, “Cần phải đuổi ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược”(5). Hơn nữa, để thực hiện dân chủ trong Đảng cần phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng Đảng về mọi phương diện.

Vận dụng tinh thần trên đây của Lênin, trong 26 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt hơn dân chủ trong nội bộ của mình. Trong xây dựng chủ trương, đường lối, ra nghị quyết Đảng đã có nhiều hình thức thảo luận dân chủ trong nội bộ và tranh thủ sự tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi của nhân dân. Trong công tác tư tưởng, tinh thần dân chủ, cởi mở, trao đổi, lắng nghe và hợp tác ngày càng thực chất hơn. Việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, đánh giá, bố trí, sử dụng và đãi ngộ cán bộ có những tiến bộ theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng hơn. Công tác bầu cử trong Đảng có những thay đổi đáng ghi nhận, nhất là ở cơ sở: đại hội trực tiếp bầu bí thư, bầu cử đã có số dư, đã nhất thể hóa một số chức vụ Đảng và chính quyền. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đã thực chất, công khai, và nghiêm minh hơn.

Tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém và tính hình thức trong thực hiện dân chủ của Đảng vẫn còn không ít. Tình trạng trên quyết dưới làm, trong quyết ngoài làm, quyết rồi mới bàn, quyết rồi không bàn… vẫn còn diễn ra. Công tác tổ chức cán bộ vẫn còn những biểu hiện thiếu dân chủ, thiếu khách quan trong bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ. Tính tự chủ, tự do, sáng tạo, cởi mở, tranh luận trong công tác tư tưởng, lý luận vẫn chưa được tra, giám sát vẫn còn né tránh, hình thức, việc xử lý kỷ luật vẫn chưa nghiêm, vẫn có biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới”. Hoạt động chất vấn trong Đảng vẫn còn mới mẻ, e ngại, khó thực thi…

Để tiếp tục xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN ở nước ta trong điều kiện mới, đòi hỏi Đảng, với tư cách là lực lượng lãnh đạo phải không ngừng thực hiện và phát huy tốt hơn dân chủ trong nội bộ của mình, Đảng phải là tấm gương, đầu tàu của dân chủ. Theo tinh thần của Lênin, trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện dân chủ trong Đảng cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

Cần quán triệt thực hiện quan điểm: dân chủ là mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới; dân chủ là mục tiêu và động lực của đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Dân chủ trong Đảng phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực công tác của Đảng, từ xây dựng chủ trương, đường lối đến tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, giám sát; từ phương thức đến phong cách và tác phong lãnh đạo; từ nhận thức đến hành động của các đảng viên đến các tổ chức Đảng và trong toàn Đảng.

Bổ sung, điều chỉnh và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định công khai, minh bạch về tài sản cá nhân, gia đình của tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt để đảng viên, tổ chức đảng và nhân dân giám sát. Những ai không trung thực, báo cáo sai, kê khai không đúng, kể cả khi không còn giữ chức vụ lãnh đạo, khi đã “hạ cánh” thì cũng phải được xử lý nghiêm minh.

Tiếp tục bổ sung, đổi mới, cải cách, hoàn thiện thể chế, cơ chế bầu cử, quy trình đề bạt, bổ nhiệm, xử lý kỷ luật, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi chức, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Bầu cử, kể cả bầu cử trong Đảng phải có số dư, phải có cạnh tranh công khai, công bằng. Quy trình, quy định về lấy phiếu tín nhiệm, về bãi nhiệm, miễn nhiệm cán bộ chủ chốt các cấp phải được xây dựng cụ thể, chi tiết để việc này có thể được thực hiện một cách dễ dàng, thuận lợi. Mặt khác, cần phải có những cơ chế, quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tự giác, tích cực tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ Đảng.

Cần thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng. Đối với những cán bộ vi phạm Điều lệ Đảng nhưng chưa đến mức phải đưa ra khỏi Đảng thì phải kiên quyết miễn nhiệm, cách chức. Những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không đủ tư cách, coi thường lợi ích, tính mạng của nhân dân, tham nhũng, thoái hóa, biến chất, vô nguyên tắc thì phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng. Mọi cán bộ đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng đều phải được xử lý nghiêm minh, công bằng.

Cần thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, tăng cường sự lãnh đạo tập thể và làm rõ trách nhiệm cá nhân trong cấp ủy và cá nhân người đứng đầu. Toàn Đảng phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó, cần chú trọng thực hiện nêu gương từ trên. Trên ở đây trước hết là Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp, những người đứng đầu trong mỗi tổ chức của Đảng, những đảng viên giữ chức vụ chủ chốt trong các cấp chính quyền, đoàn thể. Cấp trên phải nêu gương để cấp dưới học tập; người đứng đầu, cán bộ chủ chốt phải gương mẫu để mọi người làm theo.

(1) V.I.Lênin Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr  355.

(2) V.I.Lênin Toàn tập, tập 42, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr 353.

(3), (4) V.I.Lênin Toàn tập, tập 14, Nxb Tiến bộ, Maxcova, 1980, tr 163; 324.

(5) V.I.Lênin Toàn tập, tập 48, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr.154.

ThS. Nguyễn Anh Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.