Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn: Ghi nhận ở huyện Ea Súp

07:12, 14/12/2023

Huyện Ea Súp là địa bàn biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên cấp ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn phù hợp với tình hình thực tế, qua đó góp phần cải thiện đời sống của người dân.

Đại diện lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp cho biết, để thực hiện tốt công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động (NLĐ), hằng năm, UBND huyện triển khai kế hoạch đến các xã, thị trấn; tổ chức tập huấn về thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động và lồng ghép phổ biến, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lao động khi tham gia học nghề, các chính sách hỗ trợ vay vốn từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội khi NLĐ khởi nghiệp.

Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu của người dân.

Từ năm 2020 – 2022, huyện đã tổ chức được 27 lớp đào tạo nghề, với 1.002 học viên tham gia. Trong năm 2023, địa phương phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 14 lớp đào tạo nghề miễn phí cho 420 lao động nông thôn, chủ yếu là nghề trồng lúa, sắn....

NLĐ sau khi học nghề đã vận dụng các kiến thức học được vào sản xuất, một số lao động đã đầu tư nâng quy mô sản xuất để tăng thêm thu nhập, nhiều lao động tham gia vào các hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Mô hình trồng cây ăn quả của một hộ dân xã biên giới Ia R'vê, huyện Ea Súp.

Cùng với đào tạo nghề, huyện Ea Súp cũng chú trọng thực hiện nhiều giải pháp trong công tác giải quyết việc làm cho NLĐ. Một trong những cách làm hiệu quả là chương trình hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động đi làm việc thời vụ giữa UBND huyện Ea Súp với chính quyền huyện Iksan (tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc) trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, trong năm 2023, UBND huyện đã tổ chức hai đợt tuyển dụng và đưa 111 NLĐ đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Một trong những lao động vừa trở về nước sau khi hoàn thành chương trình này là chị Ngô Thị Ngọc Bích (thôn 6, xã Cư M’lan) cho biết, chương trình hợp tác này tuy chỉ đi lao động 3 tháng, nhưng đã mang lại lợi ích lớn cho NLĐ là có nguồn thu nhập cao và có thêm nhiều kiến thức bổ ích, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Ea Súp, chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc giúp NLĐ có thu nhập dao động từ 70 - 90 triệu đồng/người sau khi đã trừ chi phí đi lại, ăn ở... Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc tại nước ngoài, NLĐ được học hỏi thêm về ngoại ngữ, tiếp cận với các phương pháp làm việc tiên tiến, tiếp thu công nghệ mới, có điều kiện nâng cao tay nghề… Thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức các đợt đưa NLĐ đi làm việc theo chương trình này nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục NLĐ chấp hành tốt pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại, hết hạn hợp đồng về nước, không trốn ở lại cư trú bất hợp pháp.

Lao động huyện Ea Súp chuẩn bị đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình hợp tác giữa UBND huyện Ea Súp với chính quyền huyện Iksan. Ảnh: Bích Ngô

Trên địa bàn huyện Ea Súp hiện có 54.182 lao động từ 15 tuổi trở lên; trong đó, lao động đang làm việc 42.881 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30%. Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NLĐ đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chiếm 38,57%, mức giảm hộ nghèo năm nay đạt 4,14%. Kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025, mỗi năm toàn huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên.

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại huyện Ea Súp còn gặp một số khó khăn, hạn chế.

Cụ thể, công tác tuyển sinh, mở lớp và quản lý các lớp đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn do lực lượng lao động trẻ sau khi tốt nghiệp THPT, giáo dục thường xuyên ra trường chủ yếu đi tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn, ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, vì vậy nhu cầu học nghề thực tế không nhiều.

Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều; địa bàn rộng, các thôn, buôn cách xa trung tâm xã; nguồn kinh phí mở lớp được phân bổ về muộn... cũng ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề của địa phương.

Huyện Ea Súp kiến nghị tỉnh, Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; tăng chế độ hỗ trợ và mở rộng đối tượng được hưởng chế độ chính sách khi tham gia học nghề…

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.