Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo sân khấu tuồng Thanh Bình

09:55, 02/10/2020

Thanh Bình Từ Đường (đường Chi Lăng, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) thời nhà Nguyễn là sân khấu Thanh Bình. Sân khấu này lúc đầu chỉ để diễn tập tuồng (hát bội); dần dần về sau theo yêu cầu của quần chúng, sân khấu là nơi biểu diễn phục vụ rộng rãi người xem của kinh thành Huế.

Theo sử sách ghi chép, loại hình nghệ thuật tuồng (hát bội) hình thành từ Bình Định rồi lan đến Phú Xuân (Huế) ở Đàng Trong, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống cung đình Huế. Dưới thời Nguyễn Phúc Khoát, chúa cho xây dựng nhiều cung điện nguy nga, trong đó có hiên Đồng Lạc là nơi để trình diễn tuồng, lại sai người tập trung nghệ sĩ tuồng ở triều đình, xây dựng đội tuồng ở hoàng cung. Nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình trong cuốn sách “Tuồng Huế” có nhắc đến một tài liệu tranh của J.Barrow in tại Luân Đôn (Anh) năm 1806 thể hiện cảnh diễn tuồng cuối thế kỷ 18 ở Đàng Trong, mô tả cảnh hát tuồng thiết triều với rất đông khán giả đứng xem.

NSƯT Ngọc Khanh (giữa), Trưởng Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh trong một lần đến Huế biểu diễn hát bội.
NSƯT Ngọc Khanh (giữa), Trưởng Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh trong một lần đến Huế biểu diễn hát bội.

Đến đời vua Gia Long, triều đình đã tổ chức Việt Tường Đội đào tạo diễn viên tuồng. Đến triều Minh Mạng thì tuồng được hết sức quan tâm. Thanh Bình Thự, trường dạy diễn viên tuồng quy mô đầu tiên cả nước được thành lập năm 1825 và Duyệt Thị Đường, sân khấu tuồng hoàng cung được xây dựng năm 1826. Dưới triều Tự Đức, tuồng phát triển rực rỡ, vua cho xây thêm nhà hát Minh Khiêm đường (tại Khiêm cung) năm 1864, lại thành lập Ban Hiệu thư chuyên sáng tác, chỉnh lý, hiệu đính các vở tuồng với sự điều khiển của chính vua Tự Đức. Đào Tấn được vua tín nhiệm, sung vào Ban Hiệu thư lúc còn trẻ, đã sáng tác nhiều vở tuồng trong giai đoạn này. Vua Tự Đức còn tập hợp những nghệ nhân xuất sắc ở các làng, các tỉnh về Kinh có đến 300 người. Thời kỳ này sân khấu tuồng đạt tới đỉnh cao. Không chỉ vua, các thân vương, quan lại cũng rất mê tuồng. Nhiều phủ có những đoàn hát bội riêng như các đoàn của Hải Ninh quận công, bà chúa Nhất, ông Hoàng Chín, bà chúa Tám, bà Từ Cung… Các rạp tuồng cũng được dựng lên như rạp của phủ Định Viễn Quận công con vua Gia Long và các rạp của Diên Khánh Vương, Tuyên Hóa Công, Đào Tấn…

Ông Trần Ngọc Lợi (94 tuổi), người hơn 60 năm hương khói ngôi Thanh Bình Từ Đường, cho biết: Xóm Thanh Bình là tên gọi dân gian của kiệt 281 đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Nơi đây vốn là Thanh Bình Thự, là nơi ở và nơi tập luyện của các nghệ nhân tuồng dưới thời nhà Nguyễn. Bởi vậy, nơi đây còn có tên dân gian khác là “Xóm hát bội”. Thanh Bình Thự được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ năm (1825), dùng làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc đội tuồng Việt Tường trong cung cấm. Các sân dài và rộng trước Thanh Bình Từ Đường trước đây là sân khấu Thanh Bình. Sân khấu này lúc đầu chỉ để diễn tập tuồng (hát bội). Dần dần về sau theo yêu cầu của quần chúng, sân khấu là nơi biểu diễn phục vụ rộng rãi người xem của kinh thành Huế. Khi nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, các nghệ sĩ tuồng từ Huế tỏa đi khắp nước để tìm kế mưu sinh và để giữ nghề.

Hiện nay, Thanh Bình Thự chính là Thanh Bình Từ Đường cùng khuôn viên xung quanh. Chính giữa ngôi từ đường là bàn thờ các vị Tổ ngành xướng ca của cả nước. Tại đây có bài vị Càn Cương Hầu, được tôn xưng là ông Tổ ngành tuồng và hậu tổ tuồng là cụ Đào Tấn. Bên ngoài còn có hai án thờ ở hai bên. Trong đó, án bên tả thờ các nghệ nhân quá cố như Đào Duy Từ, người có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật tuồng nước nhà.

Thanh Bình Từ Đường được công nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 776QÐ/VH ngày 23-6-1992 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) như sự tri ân đối với nghệ thuật sân khấu.

          Nguyễn Văn Toàn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.