Multimedia Đọc Báo in

Lũng Cú - - mảnh đất thiêng liêng nơi cực Bắc Tổ quốc

16:10, 01/09/2020

Có dịp đến Hà Giang, mỗi người dân Việt ai cũng mong đến bằng được Lũng Cú, mảnh đất thiêng liêng ở cực Bắc của Tổ quốc.

Vượt qua những con đèo quanh co, những dãy núi đá tai mèo dựng đứng của cao nguyên đá Đồng Văn (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) hiện ra với những thung lũng ngô, những mảnh ruộng bậc thang giữa trập trùng đồi núi nhấp nhô. Từ xa dễ dàng nhận ra Cột cờ Lũng Cú trên đỉnh một ngọn núi.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Cột cờ Lũng Cú.  Ảnh: Ngọc Quyên
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Ngọc Quyên

Nhìn trên bản đồ, xã Lũng Cú như một tam giác cân mà hai cạnh bên là đường biên giới với Trung Quốc và đỉnh tam giác chính là điểm cực Bắc của Việt Nam. Về tên gọi “Lũng Cú”, có nhiều cách lý giải khác nhau.

Có thể là xuất phát từ chữ “Long Cư” (nơi rồng ở) theo một truyền thuyết của người Hmông ở đây. Truyền thuyết kể rằng, có một Rồng tiên bay xuống trần gian du ngoạn thấy người dân vùng Lũng Cú đói khổ, không có nước sinh sống, bản làng xơ xác, đã để lại đôi mắt làm hồ chứa nước cứu sinh đồng bào; hai hồ nước này quanh năm không bao giờ cạn. Ngọn núi nằm giữa hai hồ nước được cho là “đầu rồng” nên có tên là “núi Rồng” (Long Sơn).

Một giả thuyết nữa là do chữ “Long Cổ”. Cụ thể trước thời Tây Sơn, vùng đất này do thủ lĩnh người Lô Lô cai quản. Kể từ khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh thống nhất đất nước, Vua đã lập một đồn gác dưới chân núi Rồng và đặt một cái trống đồng lớn có chạm khắc hình hai con rồng chầu mặt trời, hằng ngày cho lính đánh ba hồi trống theo mỗi canh giờ vang xa qua bên kia biên giới để khẳng định chủ quyền quốc gia. Về sau trống còn sử dụng làm trống hiệu kết hợp đốt lửa để cấp báo mỗi khi có chiến tranh ở vùng biên ải… Chữ Long Cổ (nghĩa là “trống rồng”, “trống vua”) và chữ Long Cư (nơi rồng ở) có thể do người bản địa đọc trại đi mà thành “Lũng Cú”.

Nằm trong khu vực có độ cao từ 1.600 – 1.800 m so với mực nước biển, Lũng Cú là nơi có nhiều thung lũng nhất so với các địa phương trong vùng địa danh cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện của tỉnh Hà Giang được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Cột cờ quốc gia được đặt trên đỉnh núi Rồng ở độ cao 1.470 m. Hai hồ  cung cấp nước cho hai bản làng dưới chân núi là bản Lô Lô Chải và bản Thèn Pả. Cách núi Rồng khoảng 3 km về phía Bắc theo đường chim bay chính là điểm cực Bắc của Tổ quốc, thuộc bản Séo Lủng – phần đất thượng cùng cực Bắc.

Bản làng người Hmông dưới chân núi Rồng.
Bản làng người Hmông dưới chân núi Rồng.

Theo sử sách, năm 1075 danh tướng Lý Thường Kiệt đưa quân Đại Việt chủ động tấn công vào Châu Ung – Châu Khiêm là các căn cứ hậu cần của quân nhà Tống (Trung Quốc) lập nên để chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Năm 1076, sau khi chiến thắng trở về, ông tổ chức hội quân ở biên ải và cho dựng cột cờ bằng gỗ sa mộc trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền nhà nước Đại Việt. Qua nhiều thời kỳ lịch sử, Cột cờ Lũng Cú nhiều lần được trùng tu, tôn tạo và mở rộng. Cuối năm 2009, Cột cờ Lũng Cú được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Cột cờ Lũng Cú được xây dựng nâng cấp gần với kiểu dáng Cột cờ Hà Nội, có chiều cao 33,15 m (trong đó, phần thân cột 20,25 m, phần cán cờ 12,9 m). Ðường kính ngoài thân cột 3,8 m; cầu thang xoắn ốc từ chân cột lên đỉnh cột có 135 bậc. Thân cột được thiết kế theo hình bát giác, ốp đá gra-nit, gắn tám hình trống đồng Đông Sơn và tám bức phù điêu đá xanh, minh họa các giai đoạn, thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Với kích thước 9 m x 6 m (54 m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em chung sống trên đất nước Việt Nam), lá Quốc kỳ ở Lũng Cú là lá cờ lớn nhất nước (lá cờ ở Cột cờ Hà Nội rộng 24 m2).

Về đường lên đỉnh cột cờ, lối đi từ chân núi Rồng lên đỉnh núi được thiết kế 704 bậc đá, cộng với 135 bậc cầu thang trong thân cột cờ tổng cộng là 839 bậc. Để leo lên được đỉnh cột cờ đòi hỏi có sức khoẻ tốt, tuy nhiên khi đã đến đây không mấy ai bỏ lỡ cơ hội được leo lên đỉnh cột cờ. Theo từng bậc đá lên cao, phong cảnh hùng vĩ của miền cực Bắc của Tổ quốc hiện dần ra. Lên tới đỉnh núi, đứng dưới chân cột cờ nghe tiếng lá cờ Tổ quốc phần phật trong gió mà thấy cảm xúc lâng lâng khó tả. Lên tới đỉnh cột cờ, ai ai cũng đều muốn được ôm, được nâng niu lá cờ lớn chưa từng thấy trong đời...  

Với tính chất quan trọng của một di tích lịch sử, một biểu tượng khẳng định chủ quyền quốc gia nơi cực Bắc, nhiệm vụ bảo vệ Cột cờ Lũng Cú được giao cho Đồn Biên phòng Lũng Cú đóng dưới chân núi Rồng. Các chiến sĩ của đồn phải xử lý các sự cố như lá cờ cuốn vào thân cột, phải trèo lên gỡ lá cờ ra để lá cờ tiếp tục tung bay. Bình quân từ một tuần đến 10 ngày, khi lá cờ bạc màu hoặc bị rách, các chiến sĩ thay thế một lá cờ mới. Những lá cờ Tổ quốc trên Cột cờ sau khi hoàn thành nhiệm vụ - đã phai màu hay bị rách vì nắng gió - được đơn vị giữ lại làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đến thăm Lũng Cú vì đó là một kỷ vật thiêng liêng ở địa đầu Tổ quốc.

Xã Lũng Cú cách thị trấn Đồng Văn 20 km, cách thành phố Hà Giang 160 km. Đường từ thành phố Hà Giang đến Lũng Cú đi qua những cung đường có những thắng cảnh như Cổng Trời Quản Bạ, đèo Mã Pí Lèng, những đồi hoa tam giác mạch; những di tích văn hóa như Dinh thự vua Mèo, Phố cổ Đồng Văn…; đặc biệt là những cao nguyên đá được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới trong mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, với tên chung là cao nguyên đá Đồng Văn.

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.