Multimedia Đọc Báo in

Tre, nứa trong đời sống của đồng bào Êđê

08:38, 05/04/2020

Từ xa xưa, đời sống của đồng bào Tây Nguyên nói chung, cộng đồng người Êđê ở Đắk Lắk nói riêng đã gắn bó mật thiết với núi rừng. Bởi thế, họ biết tận dụng những nguyên liệu sẵn có của thiên nhiên như: tre, nứa… để chế tác ra nhiều vật dụng hữu ích phục vụ đời sống vật chất và tinh thần.

Đến với các buôn làng người Êđê sinh sống, không khó để bắt gặp những vật dụng làm từ tre, nứa... được sáng tạo thông qua bàn tay khéo léo của con người. Đó có thể là những vật dụng được sử dụng thường xuyên trong lao động sản xuất như: gùi, khung cửi dệt vải, giỏ, chúm bắt cá, bu nhốt gà, sàng, mẹt... Trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến gùi, loại vật dụng gắn bó sâu sắc với người phụ nữ Êđê.

Theo kinh nghiệm của người Êđê, để làm nên chiếc gùi bền và chắc, người đàn ông sẽ đi vào rừng chọn những cây tre già, đặc ruột đem về cắt thành từng khúc dài rồi pha lạt, chuốt nan, sau đó đan khít các thanh nan lại với nhau tạo thành thân gùi; đế gùi làm bằng gỗ đẽo; hai quai được làm bằng dây rừng bện chặt. Gùi không chỉ là vật dụng sinh hoạt mà còn là món quà quý mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho con cháu trong gia đình.

Từ những nguyên liệu của núi rừng như tre, nứa, người Êđê đan thành những chiếc gùi bền, chắc.
Từ những nguyên liệu của núi rừng như tre, nứa, người Êđê đan thành những chiếc gùi bền, chắc.

Trong đời sống văn hóa, với sự tài hoa và khéo léo, từ xa xưa, người Êđê đã tạo ra nhiều nhạc cụ làm từ tre, nứa có sẵn bên mình để xua tan đi mệt nhọc, căng thẳng sau những giờ lao động trên nương rẫy. Lâu dần, các nhạc cụ ấy càng được hoàn thiện và sáng tạo, tạo nên kho tàng nhạc cụ dân tộc độc đáo như hiện nay như: Ching Kram, đàn T’rưng, đàn Klông Put, Đing Năm, Đinh Tăk Ta, Đing Puốt…

Nghệ nhân Y Môi Mlô (xã Cư Né, huyện Krông Búk), người gắn bó với nhiều nhạc cụ tre nứa của người Êđê chia sẻ, tre nứa rất thân thuộc trong đời sống của người Êđê. Đặc biệt, những loại nhạc cụ làm từ nguyên liệu này có âm thanh du dương trầm bổng, mang trong mình chất nguyên sơ, mộc mạc mà có hồn, đầy âm hưởng của núi rừng, qua đó làm nên diện mạo văn hóa đặc sắc và độc đáo trong đời sống tinh thần của người Êđê. Cũng theo ông, người Êđê ngoài chiêng đồng còn có Ching Kram (chiêng tre) được chế tác từ những thân cây tre.

Theo đó, tre sau khi chặt về sẽ được cắt thành từng ống có kích thước dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào độ trầm, bổng của mỗi âm thanh muốn tạo ra; các ống tre được bịt kín một đầu, giữ nguyên mắt, đầu còn lại gọt giũa để tạo âm thanh, đi theo mỗi ống tre là một thanh tre già, được gọt đẽo cẩn thận. Khi đánh, những thanh âm từ các ống tre cộng hưởng lại, tạo nên bản nhạc rộn ràng, rền chắc và có phần mộc mạc.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên biểu diễn Ching Kram.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên biểu diễn Ching Kram.

Không chỉ là nguyên liệu dùng để tạo ra những vật dụng có vai trò trong lao động sản xuất, đời sống tinh thần, tre, nứa còn được sử dụng như “chiếc nồi” để chế biến những món ẩm thực của người Êđê, mà nổi tiếng nhất phải kể đến món cơm lam. Theo đó ống dùng để nướng cơm lam là các loại ống tre, nứa nhỏ, không quá non cũng không quá già, dài khoảng gần 1 m. Nếp sau khi ngâm mềm sẽ được cho vào ống tre, nứa và dùng lá chuối bịt lại, đem nướng trên than hồng cho chín đều. Khi cơm chín, vỏ ống tre bên ngoài được gọt bỏ, cắt ống cơm thành miếng nhỏ vừa ăn và dùng chung cùng muối vừng hay thịt nướng. Ngoài cơm lam, nhiều nguyên liệu khác như: thịt, cá, rau… cũng được người Êđê nấu trong các loại ống tre, nứa tạo thành những món ăn dân dã nhưng đầy hấp dẫn như: thịt nướng ống tre, canh thụt, cà đắng thụt ống… Các món ăn khi chế biến theo cách này sẽ giữ được vị đặc trưng và hương thơm bởi gia vị không bị bay đi mà thấm trở lại vào món ăn, tạo nên hương vị đặc biệt, trở thành đặc sản làm mê đắm thực khách bốn phương.

Có thể thấy, tre nứa gắn bó thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người Êđê và đem lại rất nhiều lợi ích. Tuy vậy, theo lời ông Y Môi Mlô, tre, nứa giờ cũng ít và khó kiếm hơn trước. Bởi thế, ông vẫn thường dặn con cháu phải có ý thức bảo vệ, đi lấy măng chỉ hái những mầm măng non, còn những cây măng đã cao thì không bẻ, đồng thời chỉ chặt những cây cần thiết, không chặt bừa bãi để khỏi làm cạn kiệt nguồn liệu này.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.