Multimedia Đọc Báo in

Màu xanh lá trong váy áo phụ nữ M'nông

08:37, 05/04/2020

Nghề trồng bông, dệt vải là nghề thủ công cổ truyền độc đáo và phổ biến của dân tộc M’nông. Sau mùa nương rẫy hay những lúc nhàn rỗi, phụ nữ M’nông luôn cần mẫn bên xa quay sợi và khung dệt, làm ra những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của gia đình, buôn làng, sáng tạo nên những bộ trang phục với nhiều kiểu hoa văn mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người.

Điều đáng nói là phụ nữ M’nông rất chăm lo việc ăn mặc cho chồng con nhưng lại ít chăm chút cho bản thân mình. Trong tập sách “Miền đất huyền ảo”, Jacques Doumes viết: “Trang phục của người M’nông đơn giản, một chiếc khố cho đàn ông và một chiếc váy quấn cho đàn bà, tất cả cái khác đều là trang sức”. Thật vậy, phụ nữ chỉ có hai loại váy: váy dệt bằng sợi vỏ cây và chiếc váy quấn dệt bằng bông vải nhuộm chàm màu xanh lá.

Những cô gái M'nông trong ngày hội bon làng.
Những cô gái M'nông trong ngày hội bon làng.

Váy M’nông dệt bằng chỉ bông vải có trang trí hoa văn gọi là Nah Nrang. Nét đặc trưng của chiếc váy là màu xanh lá nổi bật, chiếm diện tích lớn trên nền màu chàm đen. Theo quan niệm của người M’nông, màu xanh là màu của núi rừng, sông suối, đất trời, tượng trưng cho nguồn sống, sức mạnh của thiên nhiên. Bố cục màu sắc trên chiếc váy thấy rõ một đường băng mảng màu xanh lớn và hai đường băng nhỏ màu xanh theo kiểu đăng đối. Giữa màu xanh như màu lá rừng xôn xao ấy là những mô típ hoa văn mang nhiều ý nghĩa, biểu tượng khác nhau. 

Mô típ phổ biến nhất là con người và mái nhà, đó là mái ấm giữa núi rừng để con người trú ngụ, sinh tồn, an cư lạc nghiệp. Sau đó là những hoa văn thực vật như hạt gạo, hạt bí, hạt đậu... thể hiện khát vọng ấm no, biểu tượng sinh sản, phát triển giống nòi. Biểu tượng này liên quan đến tín ngưỡng thờ hồn lúa, mẹ lúa của đồng bào M’nông trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, còn có nhiều mô típ hoa văn khác như: hoa văn động vật (rùa, ếch); hoa văn đồ vật (xà gạc, con thuyền, con diều); hoa văn về thiên nhiên (ngôi sao, ngọn núi, sóng nước)... Váy Djăr dệt bằng vỏ cây trị giá bằng con lợn nhỏ, váy Rnỗ, váy Nrang dệt bằng bông vải có trị giá bằng một con lợn to. Chiếc váy Nrang có màu sắc và hoa văn đẹp nên được chị em dành để mặc đi dự lễ hội. Ngày thường, họ mặc váy Djăr và Nah Rnỗ hoặc là chiếc Nah Nrang đã cũ.

Phụ nữ M’nông ăn mặc đơn giản, phần thân dưới mặc váy, thân trên để ngực trần, đôi khi choàng tấm vải qua một bờ vai. Trên cơ thể được trưng diện những món trang sức cầu kỳ và ấn tượng như vòng cổ, vòng chân, vòng tay, chuỗi cườm sức trên mái tóc, trâm cài sau ót và đặc biệt là đôi bông tai bằng ngà voi. Chiếc váy quấn khuất rốn xuống đến phía dưới đầu gối để khoe đôi vòng chân. Hai ống chân đeo hai chiếc vòng ống dài từ mắc cá đến đầu gối, phía trên mỗi bên có đeo thêm một chiếc vòng. Khi đi vòng chiếc chạm vào vòng dài kêu thành tiếng nhạc chan chát.

Người nào không đeo vòng chân thì mặc váy dài xuống đến gót chân. Để giữ cho váy chặt, nơi lưng váy có buộc dây thắt lưng bằng đồng, gắn những lục lạc nhỏ xen kẽ với những bông hoa bằng bạc. Tay phụ nữ M’nông không đeo vòng dài, chỉ đeo những vòng chiếc từ một cho đến nhiều cái tuỳ ý thích từng người. Vòng tay của phụ nữ lấy ra dễ dàng, muốn đeo hoặc tháo lúc nào cũng được. Ngón tay của phụ nữ đeo đôi ba chiếc nhẫn bằng bạc, đồng hoặc bằng sừng trâu, ngà voi.

Nam nữ M'nông trong điệu múa cồng chiêng.
Nam nữ M'nông trong điệu múa cồng chiêng.

Thổ cẩm M’nông có màu xanh như lá rừng, màu của rẫy lúa nương ngô, được kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo, đức tính siêng năng, cần mẫn của người phụ nữ. Họ tranh thủ mọi lúc có thể để làm dệt vải. Mỗi sáng dậy, khi gà gáy lần đầu, họ vừa thổi cơm vừa cặm cụi cuốn bông, kéo chỉ. Buổi tối, cơm nước xong, họ cũng tranh thủ kéo chỉ cho đến khuya mới đi ngủ.

Sự siêng năng của người mẹ làm gương cho con gái. Các cô gái chưa chồng cũng thường kéo chỉ vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sớm trước khi trời sáng. Chỉ cần nhìn vào cuộn sợi của cô nào thấy to nhất là biết ngay cô ấy giỏi giang thế nào. Các chàng trai trong bon làng thường chọn những cô gái kéo sợi, dệt vải giỏi để yêu và cưới về làm vợ. Các bà, các cô không bận dệt vải thì lo kéo sợi, không lúc nào tay chân được rảnh rỗi. Thậm chí, khi đi làm rẫy hoặc thả bò chăn trâu cũng gắng mang theo cái xa quay sợi, khung dệt và ít bông để kéo chỉ, dệt vải.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.